Sunspot

Một cụm các vết đen Mặt Trời có kích thước gấp 15 lần đường kính của Trái Đất đã được chụp ảnh bởi robot Perseverance của NASA đang làm việc ở Sao Hỏa vào tuần trước. Hiện giờ, những vết đen này đang hướng về phía Trái Đất, với khả năng sẽ tạo ra những quầng lửa mạnh.

Cụm vết đen Mặt Trời khổng lồ này được ký hiệu là AR3576, có đường kính hơn 124.274 dặm (200.000 km) và chứa ít nhất bốn điểm tối chính, mỗi điểm này đều lớn hơn Trái Đất, theo Spaceweather.com. Tuần trước, Perseverance đã chụp được hình của nó khi quan sát từ Sao Hỏa.

Cụm vết đen này lớn tới mức có thể dễ dàng nhìn thấy từ Trái Đất mà không cần bất cứ thiết bị phức tạp nào. Mặc dù vậy, tốt nhất bạn nên có một cặp kính lọc sáng Mặt Trời (loại thường dùng để quan sát nhật thực) để bảo đảm an toàn cho mắt nếu muốn thử nhìn về phía nó.

Vết đen Mặt Trời là những khu vực tối và nguội hơn trên bề mặt Mặt Trời, có thể tạo ra những quầng lửa Mặt Trời và những vụ phun trào nhật hoa (viết tắt là CME) - những vụ bùng phát lớn của plasma và từ trường của Mặt Trời.

Tần suất và cường độ của vết đen Mặt Trời có thể nhìn thấy trên bề mặt của nó được sử dụng để cho biết mức độ hoạt động của Mặt Trời vào bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ 11 năm của Mặt Trời mà từ trường chi phối. Khi gần tới cực đại Mặt Trời - mức độ hoạt động cao nhất - các khu vực vết đen Mặt Trời như AR3576 trở nên phổ biến hơn.

Vết đen Mặt Trời có từ tính phức tạp này đã làm phát sinh một số quầng lửa cấp M, và dự báo của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) cho biết nó có nguy cơ sẽ gây ra những quầng lửa cấp X - loại quầng lửa mạnh nhất.

Các quầng lửa Mặt Trời được kích hoạt khi năng lượng từ tích tụ trong khí quyển Mặt Trời và được giải phóng dưới dạng bức xạ điện từ cực mạnh. Chúng được phân loại theo kích thước thành các cấp ký hiệu bằng các chữ cái, với cấp X là mạnh nhất. Tiếp đó là các quầng lửa cấp M nhỏ hơn 10 lần so với cấp X, sau đó là cấp C, cấp B và cuối cùng là cấp A, quá yếu để ảnh hưởng đáng kể đến Trái Đất. Mỗi cấp lại được phân loại ra theo số từ 1 tới 10 trừ cấp X có thể lớn hơn) để chi tiết hóa hơn độ mạnh của mỗi quầng lửa.

Các quầng lửa Mặt Trời mạnh cũng có thể đi kèm với các CME. Khi CME va chạm với Trái Đất, chúng có thể làm gián đoạn từ quyển của chúng ta dẫn đến các trận bão từ, qua đó có thể tạo ra các hiện tượng cực quang đẹp mắt gần khu vực xích đạo hơn so với bình thường.

Các nhà khoa học về thời tiết Mặt Trời và không gian đang theo dõi sát sao Mặt Trời vì các quầng lửa Mặt Trời và các CME năng lượng cao có thể gây rắc rối cho các vệ tinh trong không gian và thậm chí là cả các thiết bị điện tử ở mặt đất.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA hàng ngày phân tích các khu vực vết đen Mặt Trời để đánh giá các mối đe dọa. Trung tâm Dữ liệu Thế giới về Chỉ số Vết đen Mặt Trời và Quan sát Mặt Trời Dài hạn tại Viện Quan sát Hoàng gia Bỉ cũng theo dõi vết đen Mặt Trời và ghi lại các điểm cao và thấp của chu kỳ Mặt Trời để đánh giá hoạt động của Mặt Trời và cải thiện độ chính xác của dự báo thời tiết không gian.

NASA cũng có một chương trình gồm nhiều tàu không gian - gọi chung là Đài quan sát hệ thống vật lý Mặt Trời (HSO) - được thiết kế để nghiên cứu Mặt Trời và ảnh hưởng của nó đối với Hệ Mặt Trời.

Bryan
Theo Space.com