Một ngoại hành tinh chuyển động quanh một sao nhỏ cách Trái Đất khoảng 50 năm ánh sáng có thể là một thế giới nước thân thiện với sự sống. Đó là kết quả từ một nghiên cứu mới, và các nhà khoa học trông đợi rằng kính thiên văn không gian James Webb sẽ làm sáng tỏ dự đoán này.
Hành tinh này có tên là LHS 1140b, có quỹ đạo trong vùng sống được của một sao nhỏ và mờ có tên là LHS 1140 ở chòm sao Cetus. Nó được phát hiện vào năm 2017 và đã được quan sát bởi nhiều kính thiên văn kể từ đó.
Những quan sát này đã khiến các nhà nghiên cứu tin rằng LHS 1140b là một hành tinh đá có đường kính gấp khoảng 1,7 lần Trái Đất. Một phân tích mới về dữ liệu quan sát cho thấy rằng LHS 1140b có mật độ đủ thấp để chắc chắn rằng nó không phải hoàn toàn là đá mà hẳn phải chứa nhiều nước hơn Trái Đất hoặc sở hữu một bầu khí quyển rộng lớn chứa đầy các nguyên tố nhẹ như hydro và heli.
Các nhà nghiên cứu chưa thể biết chắc chắn đâu là trường hợp của hành tinh này trong số hai khả năng nêu trên, nhưng kính thiên văn không gian James Webb (JWST) có thể sẽ tìm ra điều trong những năm tới. Nếu LHS 1140b là một thế giới nước, thì hành tinh này sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta.
"Vì hành tinh này nằm trong vùng sống được, nó thực sự rất thú vị, bởi vì nếu bạn có nước trên bề mặt của một hành tinh trong vùng sống được, bạn sẽ mong đợi rằng một phần lượng nước đó đang ở trạng thái lỏng," Charles Cadieux, nhà thiên văn học tại Đại học Montreal và là tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết. "Vì vậy đó là một kịch bản thực sự thú vị về khả năng tồn tại sự sống."
Kể từ khi phát hiện ra ngoại hành tinh đầu tiên vào năm 1992, các nhà thiên văn học đã xác nhận hơn 5.500 thế giới có quỹ đạo quanh các sao trong thiên hà Milky Way. Tuy nhiên, trong số những ngoại hành tinh được biết đến, chỉ có một số ít có khả năng sống được, Cadieux nói.
Trong nhiều năm, mục tiêu hứa hẹn nhất để tìm kiếm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời là một hệ đáng chú ý quanh một sao lùn đỏ có tên là TRAPPIST-1. Gần Trái Đất hơn LHS 1140, TRAPPIST-1 là một hệ đầy ấn tượng với 7 ngoại hành tinh có kích thước xấp xỉ Trái Đất, 3 hành tinh trong số đó thuộc vùng sống được của ngôi sao. Nhưng các quan sát gần đây bởi JWST đã mang lại kết quả đáng thất vọng, gợi ý rằng những hành tinh này có thể hoàn toàn cằn cỗi bởi không có khí quyển và nước trên bề mặt của chúng. Điều đó, theo Cadieux, cũng không phải là quá bất ngờ.
"Chúng ta biết rằng TRAPPIST-1 là một sao hoạt động mạnh," Cadieux nói. "Nó tạo ra nhiều quầng lửa. Và các quan sát hiện tại của Webb gợi ý rằng những hành tinh này có thể chỉ là những quả cầu đá không có khí quyển và có lẽ không có sự sống vì hoạt động của ngôi sao đã khiến tất cả các khí quyển bị thổi bay vào không gian."
Sao LHS 1140 ít hoạt động hơn nhiều so với TRAPPIST-1, Cadieux bổ sung. Vởi chỉ khoảng 20% kích thước và khối lượng của Mặt Trời của chúng ta, LHS 1140 phát ra đủ năng lượng để tạo ra điều kiện có thể sống ở khu vực gần bề mặt của nó hơn so với Sao Thủy đối với trường hợp của Mặt Trời. Thực tế, hành tinh LHS 1140b được cho là "mát mẻ" hơn Trái Đất mặc dù nó có quỹ đạo gần sao mẹ gấp bốn lần so với khoảng cách từ Sao Thủy tới Mặt Trời.
"Tôi nghĩ rằng LHS 1140 là hệ ngoại hành tinh thú vị tiếp theo sau TRAPPIST-1 về khả năng sống được," Cadieux nói. "Và kết quả từ nghiên cứu này giúp chúng tôi xác định những gì cần tìm kiếm trong tương lai với những chương trình khác."
Cadieux cho biết các nhà nghiên cứu đã đăng ký nghiên cứu hệ LHS 1140 với JWST để tìm hiểu xem ngoại hành tinh này có một bầu khí quyển đầy hydro và heli hay dường như có nhiều nước. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có quan sát nào được lên kế hoạch cụ thể.
"Nếu có thể xác nhận trong tương lai rằng đó là một thế giới nước, chúng ta có thể mô phỏng khí hậu của hành tinh để xem liệu có nước lỏng trên bề mặt hay không," Cadieux nói. "Đó sẽ là phát hiện gián tiếp đầu tiên về nước lỏng trên một ngoại hành tinh, và đó sẽ là một khám phá tuyệt vời."
Nghiên cứu đã được công bố trên The Astrophysical Journal Letters hôm mùng 3 tháng 1 vừa qua.
Bryan
Theo Space.com