Abell 3192

Hình ảnh này do kính thiên văn không gian Hubble chụp được cho thấy một cụm thiên hà lớn và sáng, được đặt tên ban đầu là Abell 3192. Cũng như mọi cụm thiên hà khác, cụm này chứa đầy khí nóng phát xạ ra tia X năng lượng cao và được bao quanh bởi một quầng năng lượng tối vô hình.

Quầng vật chất tối vô hình chiếm phần lớn khối lượng của toàn bộ cụm thiên hà (lớn hơn toàn bộ những gì bạn có thể nhìn thấy). Nó làm biến dạng không-thời gian xung quanh và khiến cả cụm thiên hà trở thành một thấy kính hấp dẫn. Ánh sáng từ các thiên hà nhỏ ở xa hơn bị uốn cong khi đi qua cụm thiên hà, giống như khi đi qua một thấu kính, khiến các thiên hà xa này được phóng đại và kéo dài thành những cánh cung bao quanh vùng rìa của cụm mà bạn có thể nhìn thấy.

Cụm thiên hà này nằm ở khu vực của chòm sao Eridanus. Việc quan sát và xác định khoảng cách của cụm này có một lịch sử phức tạp. Ban đầu, Abell 3192 xuất hiện trong danh sách bổ sung năm 1989 của danh mục Abell về các cụm thiên hà (danh mục ban đầu xuất bản năm 1958). Vào thời điểm đó, Abell 3192 được cho là chỉ chứa một cụm thiên hà đơn lẻ ở khoảng cách duy nhất. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau đó đã hé lộ một điều đáng ngạc nhiên: khối lượng của cụm dường như tập trng ở hai điểm riêng biệt thay vì chỉ một.

Điều đó chỉ ra rằng cụm Abell thực ra là hai cụm thiên hà độc lập: một cụm nằm phía trước (khi nhìn từ Trái Đất) ở khoảng cách 2,3 tỷ năm ánh sáng, trong khi cụm còn lại nằm cách chúng ta những 5,4 tỷ năm ánh sáng. Cụm ở xa hơn đã được chú ý tới trong danh sách của Khảo Sát các cụm thiên hà lớn (MACS) và được ký hiệu là MCS J0358.8-2955, nó nằm ở khu vực trung tâm của bức ảnh này. Hai cụm thiên hà này được ước tính có khối lượng lần lượt là 30 nghìn tỷ và 120 nghìn tỷ khối lượng Mặt Trời. Hai thiên hà lớn nhất mà bạn thấy ở trung tâm của bức ảnh đều thuộc về MCS J0358.8-2955, trong khi đó những thiên hà nhỏ còn lại có thể thuộc một trong cả hai cụm của Abell 3192.

R.T
Theo NASA