galactic center

Hình ảnh mới nhất từ kính thiên văn không gian James Webb cho thấy một phần của trung tâm dày đặc của thiên hà của chúng ta với độ chi tiết chưa từng thấy. Trong đó, một vùng tạo sao có tên là Sagittarius C (Sgr C) nằm cách lỗ đen siêu nặng ở trung tâm Milky Way (lỗ đen Sagittarius A*) khoảng 300 năm ánh sáng.

"Chưa từng có dữ liệu hồng ngoại nào về khu vực này với độ phân giải và độ nhạy mà chúng ta có được với Webb, vì vậy chúng ta đang lần đầu tiên thấy nhiều đặc điểm ở đây," người điều hành nhóm quan sát, Samuel Crowe, sinh viên sắp tốt nghiệp đại học tại Đại học Virginia ở Charlottesville, nói. "Webb tiết lộ một lượng chi tiết đáng kinh ngạc, cho phép chúng ta nghiên cứu quá trình hình thành sao trong loại môi trường này một cách chưa từng có trước đây."

"Trung tâm thiên hà là môi trường khắc nghiệt nhất trong Milky Way của chúng ta, nơi lý thuyết hình thành sao hiện tại có thể được kiểm tra kỹ lưỡng nhất," Giáo sư Jonathan Tan, một trong những người hướng dẫn của Crowe tại Đại học Virginia, bổ sung.

Giữa khoảng 500.000 sao trong bức ảnh là một cụm tiền sao - những ngôi sao đang hình thành và tăng khối lượng - tạo ra những dòng chảy phát sáng như một ngọn lửa giữa một đám mây hồng ngoại tối. Ở trung tâm của cụm sao trẻ này là một tiền sao khổng lồ đã được biết đến trước đây, có khối lượng hơn 30 lần so với Mặt Trời của chúng ta.

Đám mây mà các tiền sao đang xuất hiện từ đó đậm đặc đến mức ánh sáng từ các ngôi sao phía sau nó không thể đến được với Webb, khiến nó trở nên mờ nhạt hơn cho dù thực ra nó là một trong những khu vực đông đúc nhất trong bức ảnh. Những đám mây hồng ngoại tối và nhỏ hơn xuất hiện chi chít trong bức ảnh, trông giống như những lỗ trống giữa cánh đồng sao. Đó là nơi các ngôi sao tương lai đang hình thành.

Máy ảnh cận hồng ngoại (NIRCam) của Webb cũng đã ghi lại phát xạ quy mô lớn của hydro ion hóa xung quanh phần dưới của đám mây tối, hiển thị màu xanh lơ trong bức ảnh. Thông thường, Crowe nói, đây là kết quả của các photon năng lượng cao được phát ra bởi các sao nặng và trẻ, nhưng sự mở rộng nhanh của khu vực được Webb hiển thị là một điều bất ngờ cần được nghiên cứu thêm. Một đặc điểm khác của khu vực mà Crowe dự định nghiên cứu thêm là các cấu trúc nhìn như những mũi kim mà bạn có thể thấy trong hình, nơi chứa đầy hydro đã ion hóa.

"Trung tâm thiên hà là một nơi đông đúc, hỗn loạn. Có những đám mây khí từ tính hỗn loạn nơi các sao đang hình thành, sau đó những sao này tác động lên khí xung quanh bằng gió, những vụ phun trào và bức xạ của chúng," Rubén Fedriani, nhà nghiên cứu cùng dự án tại Viện Vật lý thiên văn Andalucía ở Tây Ban Nha, cho biết. "Webb đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều dữ liệu về môi trường dữ dội này, và chúng tôi mới chỉ bắt đầu khám phá nó."

Cách Trái Đất khoảng 25.000 năm ánh sáng, trung tâm thiên hà đủ gần để nghiên cứu từng ngôi sao riêng biệt bằng kính James Webb, cho phép các nhà thiên văn thu thập thông tin chưa từng có về quá trình hình thành sao và tìm hiểu xem việc đó phụ thuộc vào môi trường xung quanh như thế nào, đặc biệt là so với những khu vực khác của thiên hà. Ví dụ, liệu có phải các ngôi sao nặng được hình thành ở trung tâm của Milky Way nhiều hơn so với ở những cánh tay xoắn?

"Hình ảnh từ Webb thật tuyệt vời, và giá trị khoa học mà chúng ta nhận được từ nó còn hơn thế," Crowe nói. "Các sao nặng là những nhà máy sản xuất ra các nguyên tố nặng trong lõi của chúng. Vì vậy, hiểu rõ hơn về chúng giống như việc tìm hiểu câu chuyện về nguồn gốc của phần lớn vũ trụ."

R.T
Theo Phys.org