Jupiter in ultraviolet

Hình ảnh vừa được công bố của kính thiên văn không gian Hubble cho thấy Sao Mộc với màu sắc tổng hợp ở bước sóng tử ngoại (cực tím). Được công bố nhân dịp Sao Mộc tới vị trí trực đối (thời điểm nó và Mặt Trời ở hai phía đối diện khi nhìn từ Trái Đất) hôm mùng 3 tháng 11 vừa qua, hình ảnh này đồng thời cho bạn một cái nhìn về cơ bão khổng lồ được coi là biểu tượng của Sao Mộc, thường được gọi là "Vết Đỏ Lớn".

Mặc dù cơn bão có màu đỏ trong mắt của chúng ta, trong hình ảnh tử ngoại này nó có vẻ tối hơn là vì ở độ cao đủ lớn trên Sao Mộc, các hạt sương hấp thụ bước sóng này. Những dải mây gợn sóng màu đó ở hai cực ít hấp thụ bước sóng này hơn do sự khác biệt về kích thước, thành phần và độ cao của các hạt sương.

Dữ liệu được sử dụng để có được tấm ảnh này đến từ hệ thống theo dõi siêu bão của kính thiên văn không gian Hubble. Các nhà nghiên cứu dự định lập bản đồ các đám mây thông qua Hubble để xác định cấu trúc mây 3 chiều của khí quyển Sao Mộc.

Hubble đã có nhiều năm quan sát các hành tinh nhóm ngoài. Từ lần sao chổi Shoemaker-Levy 9 lao vào Sao Mộc cho tới việc quan sát những cơn bão này, Hubble đã trải qua hàng thập kỷ với nhiều thành tựu độc nhất mang lại cho các nhà thiên văn, những dữ liệu đầy giá trị để lập biểu đồ về sự tiến hóa của hành tinh đầy biến động này.

Khả năng quan sát ở dải tử ngoại của Hubble cho phép các nhà thiên văn nghiên cứu những bước sóng ngắn và giàu năng lượng hơn những bước sóng mà mắt người cảm nhận được. Sóng tử ngoại hé lộ cho chúng ta biết nhiều điều về những hiện tượng trong vũ trụ, bao gồm ánh sáng từ những sao trẻ và nóng nhất ở những thiên hà lân cận; thành phần, mật độ và nhiệt độ của vật chất liên sao; và sự tiến hóa của các thiên hà.

Tất nhiên, đây là hình ảnh có màu sắc giả, vì mắt người không thể nhìn thấy tia tử ngoại. Vì thế, các màu bạn thấy ở đây đã được gán vào tương ứng với từng bộ lọc tử ngoại khác nhau. Trong trường hợp này, màu được chỉ định cho từng bộ lọc là: Xanh lam: F225W, Xanh lục: F275W và Đỏ: F343N.

R.T
Theo Phys.org