Mercury surface

Một nghiên cứu mới đây về Sao Thủy đã phát hiện những vết nứt xuất hiện trên bề mặt và hơi nóng thoát ra từ lõi, cho thấy hành tinh nhỏ nhất Hệ Mặt Trời đang ngày càng nhỏ hơn.

Sao Thủy, hành tinh gần Mặt Trời nhất đã nguội đi và co lại trong nhiều thiên niên kỷ, tạo ra những vết sẹo (những vết đứt gãy) khổng lồ trên bề mặt, do lớp vỏ đá bị cong vênh khi co rút lại.

Hiện nay, các nhà địa chất vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm mà các vết sẹo này hình thành, và liệu Sao Thủy có còn tạo ra những vết mới khi tiếp tục nguội đi hay không. Trong nghiên cứu mới được công bố vào ngày 2 tháng 10 trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học kiểm tra kỹ hơn những vị trí này và đã tìm thấy nhiều vết nứt nhỏ hơn, bằng chứng chắc chắn cho thấy tồn tại sự dịch chuyển địa chất trong 300 triệu năm qua.

Đồng tác giả của nghiên cứu, David Rothery, viết trong một bài báo đăng trên trang The Conversation: “Nhóm chúng tôi đã phát hiện ra những dấu hiệu dịch chuyển địa chất rõ ràng của nhiều vết sẹo trong thời gian gần đây, mặc dù chúng có thể được hình thành từ hàng tỷ năm trước”. Ông nói thêm: “Điều này giống như những nếp nhăn hình thành trên vỏ quả táo khi nó già và khô đi”, còn Sao Thủy thì đang co lại vì nó nguội đi.

 


Hình ảnh những miệng núi lửa nhìn thấy gần cực Nam của Sao Thủy.

 

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp bởi tàu không gian Messenger (phóng lên quỹ đạo quanh Sao Thủy từ năm 2004 đến 2015) đã mang lại cái nhìn cận cảnh mới nhất về bộ mặt hành tinh. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các vết nứt nhỏ song song với một đường đứt gãy, ngay bên cạnh các vết sẹo khổng lồ trên bề mặt. Các vết nứt nhỏ này hình thành khicác đường đứt gãy đang cố gắng uốn cong một mảng đá cứng.

Rothery viết: “Nếu bạn cố gắng uốn cong một miếng bánh mì nướng, nó sẽ bị nứt theo cách tương tự”. Nhóm nghiên cứu đã xác nhận được 48 vết nứt loại này và 244 điểm tiềm năng khác.

Các nhà khoa học xác định tuổi của những lớp đá này bằng cách sử dụng phương pháp ước tính "va chạm làm vườn” (impact gardening) - tính xem quãng thời gian các vụ va chạm thiên thạch làm đảo lộn bề mặt Sao Thủy nhanh đến mức nào. (Đã từ lâu chúng ta ước tính được rằng, bề mặt trên cùng của các thiên thể không có khí quyển như vậy sẽ bị đảo lộn sau mỗi 10 triệu năm). Và dựa trên mức độ mờ của các vết nứt trong ảnh chụp, nhóm nghiên cứu tính toán chúng có tuổi khoảng 300 triệu năm.

Chuyển động của các lớp đá không chỉ tạo ra vết nứt nhỏ mà còn có thể gây ra những trận "động đất Sao Thủy" - điều tương tự với các rung động đã đo được trên mặt trăng. Còn Mặt Trăng, với những thiết bị bị đo đạc đặt trên bề mặt của nó, chúng ta đã chứng minh được, vệ tinh của Trái Đất đang co lại và nhăn nheo,.

Đáng tiếc, chúng ta không có những thiết bị như vậy đặt trên bề mặt Sao Thủy. Nhưng sắp tới, vào năm 2025, Châu Âu sẽ thực hiện sứ mệnh phóng tàu Bepi Colombo lên quỹ đạo Sao Thủy. Đó sẽ là hy vọng cung cấp thêm thông tin về địa chất của hành tinh nhỏ nhất Hệ Mặt Trời - bao gồm những góc nhìn rõ nét hơn về các nếp nhăn của nó. “Những hình ảnh chi tiết nhất có thể sẽ tiết lộ nhiều hơn những dấu vết mài mòn trên lớp đá, bằng chứng bổ sung để xác nhận các trận động đất gần đây”, Rothery viết, "Tôi rất mong chờ được nghiên cứu chúng”.

Đắc Cường
Theo LiveScience