Starlink

Thiên văn vô tuyến và liên lạc vệ tinh có một lịch sử chung lâu dài. Những tiến bộ trong mỗi lĩnh vực đã mang lại lợi ích cho lĩnh vực kia, và kỷ nguyên tàu không gian và internet di động chúng ta đang có là kết quả sự hợp tác này. Tuy nhiên, đôi khi mục tiêu của thiên văn vô tuyến và của các vệ tinh liên lạc lại đối lập nhau. Việc này được nhìn thấy rõ nhất trong sự phát triển của những mạng lưới vệ tinh dạng như Starlink.

Mạng lưới Starlink khác với những hệ thống truyền thông trước đây ở chỗ nó có rất nhiều vệ tinh tầm thấp. Hiện nay, đã có khoảng 5.000 vệ tinh Starlink, nhưng con số đó được dự tính sẽ tăng lên thành 40.000 trong thập kỷ tới. Với việc có quỹ đạo thấp, độ trễ của tín hiệu giữa các vệ tinh và thiết bị thu ở mặt đất là rất nhỏ, khiến cho việc sử dụng internet trở nên hiệu quả hơn. Và với hàng nghìn vệ tinh như vậy, bạn có thể sử dụng internet gần như ở bất cứ đâu trên hành tinh. Nhưng Starlink sẽ mang lại thách thức cho thiên văn vô tuyến, như một nghiên cứu mới đây được đăng dưới dạng đợi in trên arXiv.

Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu thử nghiệm của SKA (Hệ thống các kính thiên văn trải rộng 1 km²), những kính thiên văn vô tuyến được thiết kế để thu được hình ảnh phân giải cao ở sóng vô tuyến tần số thấp. SKA có nhiều mục tiêu khoa học, từ việc kiểm tra thuyết tương đối rộng và lập bản đồ hydro trung hòa trong vũ trụ, cho tới nghiên cứu khí quyển của những ngoại hành tinh có tiềm năng cho sự sống. Hệ thống này đang được xây dựng song song ở hai khu vực ít bị sóng vô tuyến gây nhiễu thuộc Australia và Nam Phi. Nó được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tiến bộ trong hiểu biết của chúng ta về giai đoạn sớm của vũ trụ.

Vì SKA sẽ thu tín hiệu cùng lúc từ những khu vực rộng lớn của bầu trời, các vệ tinh của Starlink sẽ xuất hiện trong hầu hết những hình ảnh thu được. Các tác giả đã phân tích dữ liệu và thấy rằng ngay cả khi không cần tới độ nhạy của SKA, họ vẫn thu được tín hiệu vô tuyến của Starlink. Trong một số trường hợp, bức xạ này còn sáng hơn những vật thể sáng nhất bầu trời khi đo ở tần số thấp.

Mặc dù những tín hiệu có chủ ý có thể được giảm thiểu thông qua những vùng hạn chế, nơi mà Starlink chủ động tránh việc truyền phát tín hiệu, nhưng bên cạnh đó còn những tín hiệu không chủ ý và chúng thực sự là vấn đề. Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng những tín hiệu này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể tới những mục tiêu nghiên cứu của SKA.

Đây không phải lần đầu mà tín hiệu vô tuyến từ Starlink được ghi nhận. Một nghiên cứu sớm hơn cũng đã cho thấy tín hiệu ngoài ý muốn từ những vệ tinh này. Khi mà những quan sát vô tuyến tiếp tục trở nên hiện đại và nhạy hơn, việc giải quyết ô nhiễm bức xạ vô tuyến từ các vệ tinh càng cần được giải quyết. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ cần có những lựa chọn khó khăn trong việc cân bằng giữa sự tiện lợi của internet qua vệ tinh và việc khám phá bầu trời.

Bryan
Theo Phys.org