JWST-ER1

Các nhà thiên văn đã báo cáo về việc phát hiện một thiên hà mới nhờ quan sát của Kính thiên văn không gian James Webb, những quan sát này là một phần của khảo sát COSMOS-Web. Đối tượng được phát hiện này được đặt số hiệu JWST-ER1, một thiên hà không hoạt động khổng lồ và đậm đặc. Phát hiện này đã được công bố ngày 14 tháng 9 dưới dạng đợi in trên arXiv.


Những thiên hà khổng lồ đã ngừng việc tạo sao (còn gọi là thiên hà lớn ngủ yên) được cho là nguồn gốc hình thành nên các thiên hà elip khổng lồ. Những thiên hà này diễn ra quá trình hình thành sao rất sớm và tập hợp khối lượng sao rất nhanh, chúng có thể là chìa khóa để nâng cao hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa thiên hà.

Trong báo cáo vừa đăng, nhóm các nhà thiên văn học dẫn đầu bởi Pieter van Dokkum thuộc Đại học Yale đã phát hiện một thiên hà mới thuộc loại này và đặt tên là JWST-ER1. Nó được xác định máy ảnh cận hồng ngoại (NIRCam) của JWST, trong cuộc khảo sát nhắm tới mục tiêu 1 triệu thiên hà có tên là COSMOS-Web. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của JWST-ER1 là sự có mặt của vòng Einstein - một hiện tượng mà trong đó ánh sáng tập trung dưới dạng một vành sáng bao quanh thiên hà do hiệu ứng thấu kính hấp dẫn.

Các quan sát của NIRCam về JWST-ER1 cho thấy hình ảnh gồm phần thiên hà hình thành sớm rất đậm đặc phía trong và một vòng Einstein hoàn chỉnh bên ngoài với hai điểm đỏ tập trung rất dễ thấy. Số đo đường kính trung tâm của vòng là một góc xấp xỉ 1,54 giây.

Thiên hà mới được tìm thấy này có độ dịch chuyển đỏ 1,94, bán kính khoảng 21.500 năm ánh sáng và khối lượng ước tính bằng 650 tỷ lần khối lượng Mặt Trời. Kết quả tính toán chỉ ra rằng nó có độ tuổi 1,9 tỷ năm và có tốc độ tạo sao thấp, ở mức 4 lần khối lượng Mặt Trời mỗi năm. Vì vậy, JWST-ER1 là một thiên hà khổng lồ không hoạt động. Nó cũng khá đậm đặc, giống như các thiên hà không hoạt động khác ở độ dịch chuyển đỏ tương tự.

Còn vòng của JWST-ER1, các nhà thiên văn học phát hiện ra rằng nó được tạo ra bởi một thiên hà phía sau có độ dịch chuyển đỏ là 2,98. Thiên hà này tham gia vào một số lượng lớn các vòng Einstein đã biết, dù hầu hết chúng không hoàn chỉnh.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng JWST-ER1 có dạng tròn gần hoàn hảo, không có vùng tạo sao rõ rệt, đuôi vật chất gây ra bởi lực triều hay đặc điểm bất thường nào khác được xác định trong các hình ảnh quan sát của NIRCam.

Các tác giả của nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục quan sát đối với JWST-ER1 để điều tra xem liệu các thiên hà hoặc cấu trúc gần đó dọc theo hướng quan sát liệu có góp phần vào khối lượng của nó hay không và cũng để kiểm tra xem JWST-ER1 có phải là thiên hà trung tâm của tiền thân một cụm thiên hà.

Đắc Cường
Theo Phys.org