Sử dụng dữ liệu thu được từ kính thiên văn Kepler, các nhà thiên văn học ước tính rằng có khoảng 50 tỷ hành tinh trong thiên hà Milky Way (thiên hà của chúng ta/ Ngân Hà).

 

Trong số các hành tinh như ước tính trên, có khoảng 500 triệu hành tinh có vị trí thuận lợi cho việc xuất hiện của sự sống. Các nhà khoa học tuyên bố trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ rằng kết quả này đến từ việc quan sát một phần nhỏ của bầu trời qua kính Kepler và từ đó suy rộng ra tổng số hành tinh có thể có trong Milky Way.

Đầu tháng này NASA đã cho biết rằng đã tìm thấy 1235 hành tinh ứng viên (cho việc có tồn tại sự sống) trong đó có 68 hành tinh có kích thước cỡ Trái Đất, quay quanh hơn 156.000 ngôi sao.

Kepler được lên kế hoạch để tìm kiếm các hành tinh khác có dạng như Trái Đất trong thiên hà Milky Way, nhưng để có thể hình thành sự sống thì các hành tinh này cần có vị trí mà các nhà khoa học gọi là 'Goldilocks' zone - không được quá nóng hay quá lạnh.

Kính thiên văn không gian Kepler được phóng lên năm 2009 được trang bị đủ để phát hiện các hành tinh có kích thước như Trái Đất trên quĩ đạo của các ngôi sao rất xa. Dự án trị giá 590 triệu đô la này chỉ có một mục đích lớn nhất là dành ít nhất 3 năm rưỡi sắp tới để quan sát một khu vực lớn của Milky Way cos chứa khoảng 4,5 triệu sao.

Các camera hiện đại nhất được sử dụng để tập trung vào từ 100.000 đến 150.000 ngôi sao có nhiều khả năng có hành tinh quay quanh nhất, các nhà khoa học cho biết trong một cuộc họp báo trước giờ phóng. Dữ liệu từ các camera được sử dụng để tìm kiếm các hành tinh qua việc quan sát sự thay đổi độ sáng của sao mẹ khi có hành tinh lướt qua.

Theo Daily Astronomy