Olympus Mons

Robot thám hiểm Perseverance của NASA vừa phát hiện ra nhiều chất hữu cơ đa dạng trong một miệng núi lửa ở Sao Hỏa. Mặc dù vậy, nguồn gốc của chúng vẫn chưa được biết rõ.

Các hợp chất hữu cơ là những phân tử có chứa carbon và thường có sự tham gia của những nguyên tố khác như hydro, oxy, ni-tơ, phốt-pho và lưu huỳnh. Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện được vài dạng hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ Sao Hỏa. Chúng nằm trong mẩu vật chất vốn là một phần của Sao Hỏa bị vỡ ra do những va chạm thiên thạch và sau đó rơi về phía Trái Đất, và trong cả miệng núi Gale ở hành tinh này khi thiết bị Curiosity của NASA thám hiểm nó vào năm 2012.

Theo tác giả chính của nghiên cứu là Sunanda Sharma ở Viện Công nghệ California (Caltech): "Chúng là những manh mối thú vị đối với các nhà sinh học thiên văn, vì chúng thường được coi là những thành phần kiến tạo nên sự sống."

Tuy nhiên, "điều quan trọng là chúng có thể được tạo thành từ quá trình không liên quan tới sự sống," Sharma nhấn mạnh. Vì vậy, việc điều tra xem những phân tử hữu cơ nào đang tồn tại trên Hành tinh Đỏ và cách mà chúng ta đã ra đời sẽ là chìa khóa để hiểu xem thứ gì có liên quan hoặc không liên quan tới sự sống ở hành tinh này.

Trong nghiên cứu mới này, Sharma và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ Perseverance. Vào tháng 2 năm 2021, thiết bị thám hiểm này đã hạ cánh xuống khu vực của miệng núi Jezero, thuộc một khu vực hồ cổ đại được cho rằng có thể từng có sự sống trong quá khứ. Các lớp đất sét và khoáng chất ở đây có chứa những thành phần có thể bảo quản các chất hữu cơ theo thời gian.

Cụ thể, các nhà khoa học đã kiểm tra dữ liệu từ một thiết bị quét tìm các thành phần hóa học (đặc biệt là hữu cơ) được gọi tắt là SHERLOC. Họ tập trung vào phần dữ liệu liên quan tới hai khu vực tên là Máaz và Séíah trong miệng núi Jezero. Khi SHERLOC quét tia tử ngoại vào các hợp chất hữu cơ, chúng sẽ phát sáng. Bước sóng phát ra từ phản hồi này có thể giúp các nhà khoa học xác định được chính xác những hợp chất có mặt ở đó.

Sharma và các đồng nghiệp đã tìm thấy dấu vết của các phân tử hữu cơ trong cả 10 mục tiêu mà Perseverance đã khoan xuống ở Máaz và Séíah, với niên đại kéo dài trong khoảng từ 2,3 tới 2,6 tỷ năm trước. Điều này "chỉ ra rằng có khả năng những khối kiến tạo của sự sống đã có mặt ở bề mặt Sao Hỏa trong một khoảng thời gian dài, và ở nhiều hơn một địa điểm," Sharma nói.

Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng rằng có nhiều lớp phân tử hữu cơ. Chúng có nguồn gốc từ nhiều khoáng chất và nhiều cơ chế hình thành khác nhau. Những hợp chất hữu cơ này hầu hết liên quan tới những khoáng chất có liên kết với nước.

Theo Sharma, để xác định chính xác các thành phần hữu cơ này, sẽ cần cả những mẫu sẽ được mang về Trái Đất.

Chi tiết của nghiên cứu này đã được công bố hôm 12 tháng 7 vừa qua trên tạp chí Nature.

Bryan
Theo Livescience