Tarantula nebula

Bất chấp những ảnh hưởng đáng kể của từ trường, sự hình thành các sao vẫn tiếp tục diễn ra tại Tinh vân Tarantula (Tarantula Nebula/ 30 Doradus).

Hình ảnh: 30 Doradus được biết đến với cái tên khác là Tinh vân Tanrantula (tên một loại nhện), là một vùng trong Mây Magellan Lớn. Những dải uốn lượn trên ảnh biểu diễn hình thái của từ trường từ các bản đồ phân cực của SOFIA HAWC+. Chúng được đặt chồng và lồng ghép thành một hình ảnh tổng hợp được chụp bởi Đài quan sát VLT (Kính thiên văn rất lớn) và VISTA (Kính thiên văn khảo sát ở dải sóng biểu kiến và hồng ngoại) của ESO.

Nghiên cứu mới nhất từ Đài quan sát tầng bình lưu Thiên văn học hồng ngoại (SOFIA) đã chỉ ra rằng từ trường tại 30 Doradus - một vùng hydro bị ion hóa ngay trung tâm của Mây Magellan Lớn, có thể là nguyên nhân chính cho sự hình thành sao tại đây.

Hầu hết năng lượng tại 30 Doradus, đến từ cụm sao khổng lồ gần trung tâm của nó được gọi là R136, cụm sao này là tác nhân chính cho việc giãn nở, mở rộng lớp vật chất. Nhưng trong khu vực gần lõi của tinh vân này, trong khoảng 25 parsec (81,5 năm ánh sáng) tính từ R136, mọi việc có vẻ diễn ra một cách kỳ lạ. Áp suất khí ở đây thấp hơn so với mức cần thiết của cường độ bức xạ sao của R136 và khối lượng của khu vực này thì nhỏ hơn mức mà các nhà thiên văn dự đoán để hệ này có thể duy trì một cách ổn định.

Sử dụng Máy ảnh băng rộng trên không độ phân giải cao (HAWC+), các nhà thiên văn học đã phát hiện ra sự tương tác giữa từ trường và lực hấp dẫn tại 30 Doradus. Từ trường hóa ra lại là một “nguyên liệu” bí mật của khu vực này.

Nghiên cứu gần đây, được công bố trên The Astrophysical Journal, cho thấy từ trường trong khu vực này vừa phức tạp và vừa có tổ chức, với các biến thể lớn về hình học liên quan đến các cấu trúc giãn nở quy mô lớn đang diễn ra.

Thế nhưng làm sao mà trường “phức-tạp-nhưng-tổ-chức” này lại giúp 30 Doradus tồn tại?

Ở hầu hết các khu vực, từ trường cực kỳ mạnh và đủ mạnh để chống lại sự nhiễu loạn, vì vậy chúng có thể tiếp tục điều chỉnh chuyển động của khí và giữ nguyên vẹn cấu trúc của đám mây. Chúng cũng đủ mạnh để ngăn lực hấp dẫn xâm chiếm và làm sụp đổ đám mây để tạo thành các ngôi sao.

Tuy nhiên, từ trường yếu hơn ở một số điểm, tạo điều kiện cho khí thoát ra ngoài và làm phồng các lớp vỏ khổng lồ. Khi khối lượng trong các lớp vỏ này tăng lên, các ngôi sao có thể tiếp tục hình thành bất chấp từ trường mạnh.

Quan sát khu vực bằng các thiết bị khác có thể giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về vai trò của từ trường trong quá trình tiến hóa của 30 Doradus và các tinh vân tương tự khác.

SOFIA là một dự án chung của NASA và Cơ quan Vũ trụ Đức tại DLR. DLR đã cung cấp kính thiên văn, bảo dưỡng khí cụ bay theo lịch trình và những hỗ trợ khác cho nhiệm vụ này. Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở Thung lũng Silicon tại California, quản lý chương trình SOFIA, tổ chức các nhiệm vụ và nghiên cứu khoa học với sự hợp tác của Hiệp hội nghiên cứu vũ trụ các trường đại học, có trụ sở tại Columbia, Maryland và Viện SOFIA tại Đại học Stuttgart, Đức. Khí cụ bay được duy trì và vận hành bởi Trung tâm nghiên cứu bay Armstrong của NASA tại tòa nhà 703 ở Palmdale, California. SOFIA đạt được khả năng vận hành tối đa vào năm 2014 và kết thúc chuyến bay khoa học cuối cùng vào ngày 29 tháng 9 năm 2022.

Goneww
Theo NASA