Các ngôi sao ra đời từ sự sụp đổ của những đám mây khí và bụi. Nhưng kích hoạt để sự tạo sao diễn ra là một quá trình phức tạp, vì những đám mây khí này đôi khi có thể cứ ở đó hàng tỷ năm mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Hai nhà nghiên cứu mới đây đã tìm ra chính xác cách thức để những đám mây khí kích hoạt sự tạo sao, và nó liên quan rất nhiều tới va chạm.
Khi những đám mây khí va chạm, nhiều thứ cùng xảy ra. Khí và bụi quấn lấy nhau và lập tức kích hoạt những gợn sóng nhiễu loạn chạy khắp đám khí mới hình thành từ sự sáp nhập. Những làn sóng xung kích cũng hình thành và lan đi trong đám hỗn loạn này. Quá trình này gây ra sự xuất hiện những túi khí kém ổn định, chúng có thể tách khỏi phần còn lại và nhanh chóng sụp đổ.
Khi việc này xảy ra, một cụm sao hình thành. Các nhà thiên văn từ lâu vẫn có nghi vấn về kịch bản này, về việc liệu chính xác thì làm thế nào một đám khí có thể trở thành một ngôi sao. Một nghiên cứu mới đã đăng dưới dạng đợi in trên arXiv đã đi sâu vào chi tiết này, tìm hiểu về cách mà kích thước và vận tốc của những đám khí dẫn tới tốc độ tạo sao khác nhau.
Họ thấy rằng thứ tác động lớn nhất tới quá trình tạo sao không phải là tính chất của bản thân những đám mây khí mà là môi trường nơi chúng tồn tại. Chẳng hạn, nếu hai đám mây hợp nhất ở khu vực có mật độ tương đối cao thì những đám khí có xu hướng tạo thành những tàn dư đậm đặc, và như vậy số sao được tạo thành sẽ ít hơn nhưng là những sao lớn. Ngược lại, nếu những đám mây khí loãng hơn, chúng tạo thành nhiều sao có khối lượng nhỏ.
Theo các nhà khoa học, đây chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong một câu đố lớn về lịch sử của quá trình tạo sao và những điều kiện dẫn tới sự hình thành các loại sao trong thiên hà của chúng ta.
Bryan
Theo Phys.org