NGC 2419

Hình ảnh này được chụp bởi kính thiên văn không gian Hubble. Nó cho thấy cụm sao cầu NGC 2419. Cụm sao cầu là những cấu trúc tuyệt đẹp và đầy hấp dẫn. Chúng là những nhóm gồm nhiều sao liên kết với nhau thành dạng cầu, cùng chuyển động quanh trung tâm của thiên hà. Trong trường hợp của NGC 2419, thiên hà chủ của nó chính là Milky Way của chúng ta. Cụm sao này nằm cách Hệ Mặt Trời khoảng 300.000 năm ánh sáng, trong chòm sao Lynx (*).

Các sao trong cùng một cụm thường khá giống nhau do chúng ra đời trong cùng một khoảng thời gian. Các nhà thiên văn học có thể xác định tuổi tương đối của một ngôi sao dựa vào thành phần hóa học của nó, hay chính xác là tính kim loại của ngôi sao. Vì các sao trong một cụm sao cầu hình thành gần như đồng loạt nên đặc điểm của chúng rất giống nhau, trong đó có một yếu tố là hàm lượng heli của chúng (trong thiên văn học, mọi nguyên tố nặng hơn heli đều được gọi là kim loại). Điều đó có nghĩa là các sao trong cùng một cụm sao cầu thường phải có lượng heli tương tự nhau.

Tuy nhiên, các quan sát mà Hubble thực hiện đối với NGC 2419 cho thấy nó là một trường hợp đặc biệt. Cụm sao cầu này có chưa hai nhóm sao khổng lồ đỏ khác nhau, một trong hai nhóm đó giàu heli một cách khác thường. Các sao của NGC 2419 cũng có tỷ lệ các nguyên tố khác không giống nhau. Cụ thể, lượng ni-tơ của chúng có sự khác biệt. Hấp dẫn hơn nữa là những sao giàu heli đều tập trung ở khu vực trung tâm của cụm. Điều đó khiến các nhà thiên văn đặt ra câu hỏi rằng liệu hai nhóm sao này có hình thành cũng nhau hay không, hay là có một cách thức khác đã dẫn tới sự ra đời của cụm sao này.

R.T
Theo Phys.org

(*) Chú thích: Đĩa chính của Milky Way có đường kính chỉ khoảng 100.000 năm ánh sáng. Điều đó có nghĩa là mặc dù NGC 2419 là một phần của Milky Way, nhưng nó nằm ở quỹ đạo phía ngoài và cách rất xa những sao và cụm sao khác trong khu vực đĩa chính của thiên hà.