Voyager 1 and Pale blue dot

Đây là một bức ảnh nổi tiếng mà tôi thường đưa vào bài giảng của mình. Nhìn qua, bạn chẳng thấy nó có gì đặc biệt nếu không biết rằng nó là hình ảnh của chính Trái Đất chúng ta trong vũ trụ, được chụp ở khoảng cách 6 tỷ km.

Bức ảnh này được chụp ngày 14 tháng 2 năm 1990 bởi tàu không gian Voyager 1. Vào thời điểm đó, con tàu này đã vượt qua cả quỹ đạo của Sao Hải Vương, và các nhà nghiên cứu để nó chụp bức ảnh cuối cùng về hành tinh của chúng ta trước khi tiếp tục đi ra xa hơn nữa, hướng tới biên giới ngoài của Hệ Mặt Trời. Bức ảnh đặc biệt này sau đó đã được nhà thiên văn Carl Sagan gọi là "Pale Blue Dot" (chấm xanh mờ nhạt). Chấm xanh mờ nhạt lớn chưa tới 1 pixel mà bạn thấy trong ảnh chính là Trái Đất.

Với Sagan, sự nhỏ bé của hành tinh chúng ta khi nhìn từ không gian cho thấy ý nghĩa to lớn của chính việc bảo vệ mái nhà duy nhất chúng ta đang có.

 

Bức ảnh năm 1990 của Voyager 1.

 

Còn trong những bài giảng của mình, tôi thường sử dụng hình ảnh này để nhấn mạnh về kích thước của vũ trụ và chính Hệ Mặt Trời. Ở khoảng cách 6 tỷ km, một góc nhìn đủ rộng để khiến Trái Đất chỉ còn là một chấm sáng vô cùng nhỏ bé vẫn không thể cho bạn thấy những thiên thể khác của Hệ Mặt Trời. Không gian không hề đông đúc như đa phần mọi người tưởng tượng khi nhìn những hình ảnh minh họa về Hệ Mặt Trời hay những bức ảnh chụp những vùng trời đầy sao - khi mà toàn bộ các ngôi sao được thể hiện trên một mặt 2D khiến chúng ta có thể quên mất khoảng cách thực giữa chúng. Bức ảnh này là một minh họa tuyệt vời để chúng ta cảm nhận được sự rộng lớn và dường như trống rỗng của không gian. Trái Đất và các hành tinh của Hệ Mặt Trời không phải như những người láng giếng trong một khu phố sầm uất, mà ngược lại, chúng giống như một nhóm nhỏ các nhà thám hiểm đang lạc nhau giữa một sa mạc rộng lớn. Còn những hệ sao khác, ngay cả Alpha Centauri - hệ gần chúng ta nhất, thì giống như những người ở tận châu lục khác.

Chúng ta đơn độc trong vũ trụ tới mức việc lo rằng một tiểu hành tinh nào đó sẽ va chạm để xóa sạch con người trở nên thừa thãi gấp ít nhất là 1 tỷ lần so với việc bạn tự hỏi có nên viết di chúc mỗi khi ra khỏi nhà để đề phòng sẽ mất mạng vì tai nạn giao thông. Nếu có một nền văn minh nào đó trong vũ trụ đang hướng kính thiên văn lên bầu trời, khả năng họ nhìn thấy chúng ta cũng khó xảy ra y như vậy, và tương tự khi chúng ta muốn tìm kiếm một nền văn minh khác. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta chưa tìm thấy sự sống ở nơi nào đó trong vũ trụ với thực tế như vậy, và một thực tế khác nữa là chiếc kính thiên văn đầu tiên mới ra đời cách đây hơn 400 năm, tức là nền văn minh của chúng ta thực ra mới ở giai đoạn đầu.

Sự rộng lớn của vũ trụ cho chúng ta thấy rằng vẫn còn rất nhiều thứ ngoài kia đợi được khám phá, và còn rất nhiều điều chúng ta cần làm để chuẩn bị cho thế giới của tương lai. Khoa học vẫn còn một chặng đường dài để tiến lên, nhưng nó cũng đã đi được một đoạn không hề ngắn. Việc nắm bắt một cách chân thực về vũ trụ nơi chúng ta sống là vô cùng quan trọng và cần được bắt đầu ngay từ bây giờ.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Bài đã được đăng trên Facebook page của tác giả.