Robot thám hiểu Sao Hỏa Curiosity của NASA đã chụp ảnh được dấu hiệu rõ ràng của những gợn sóng trên những tảng đá của Sao Hỏa, một dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của những hồ cổ đại trên bề mặt của Hành tinh Đỏ.
Gợn sóng của những hồ cổ đại được phát hiện dưới dạng đóng băng trong những tảng đá ở khu vực núi Sharp của Sao Hỏa. Mặc dù Curiosity đã đi qua rất nhiều vùng trầm tích đá trong những hồ cổ đại, nhưng các nhà khoa học chưa từng thấy những bằng chứng sống động như thế này trước đây.
"Đây là bằng chứng rõ ràng nhất về nước và sóng mà chúng tôi thu được trong toàn bộ sứ mệnh này," Ashwin Vasvada thuộc dự án Curiosity tại Phòng thí nghiệm phản lực của NASA ở Nam California cho biết. "Chúng tôi đã leo qua hàng nghìn mét trầm tích hồ mà chưa từng thấy bằng chứng nào như thế - và giờ đây chúng tôi lại tìm thấy nó ở nơi mà chúng tôi đã cho rằng phải khô cằn."
Từ mùa thu năm ngoái, Curiosity đã bắt đầu thám hiểm một khu vực có thứ mà các nhà khoa học gọi là đá chứa sulfat. Các nhà khoa học tin rằng khu vực giàu muối này đã kết thành trầm tích sau khi một hồ cổ đại cạn đi. Nhưng những gợn sóng được tạo thành ở đáy hồ khi khi gió gây ra sóng ở lớp nước phía trên đã làm xáo trộn lớp trầm tích bên dưới (và vì thế để lại những dấu vết tới ngày nay).
Theo các nhà nghiên cứu, sự có mặt của các gợn sóng ở khu vực được cho là khô cằn gợi ý rằng Sao Hỏa đã không chuyển trạng thái từ ẩm ướt sang khô cằn một cách đơn thuần. Ở gần những tảng đá gợn sóng, họ cũng thấy những lớp đá có khoảng cách và độ dày đều đặn, việc này tương tự như trên Trái Đất ở những giai đoạn biến đổi địa chất định kỳ của nó.
"Khí hậu cổ đại của Sao Hỏa có một sự phức tạp tuyệt vời, giống như Trái Đất," Vasavada nói.
Trong khi Curiosity vẫn tiếp tục thám hiểm Sao Hỏa, các nhà nghiên cứu của sứ mệnh này hy vọng rằng nó sẽ mang lại một cái nhìn về một thung lũng được tạo nên bởi gió được gọi là Gediz Vallis nằm cao trên núi Sharp. Thung lũng này có lẽ có chứa những tàn tích từ những vùng nhiều nước và có thể có cả một con kênh được tạo nên bởi một dòng sông.
R.T
Theo Livescience