wormhole

Một nhóm các nhà vật lý thiên văn liên kết với một số tổ chức nghiên cứu ở Trung Quốc đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nếu như các lỗ sâu là có thật, chúng có thể phóng đại ánh sáng lên 100.000 lần. Trong bài báo công bố trên tạp chí Physical Review Letter, nhóm nghiên cứu đã mô tả các lý thuyết mà họ phát triển cùng khả năng sử dụng chúng.

Những nỗ lực lý thuyết trước đây đã gợi ý rằng các lỗ sâu có thể tồn tại trong vũ trụ, được mô tả là những đường hầm tắt kết nối những khu vực khác nhau của vũ trụ. Một số người trong cộng đồng vật lý đã gợi ý rằng việc đi xuyên qua những đường hầm như vậy có thể giúp chúng ta di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng (hay chính xác hơn là đi tắt để tới một vùng khác của vũ trụ nhanh hơn so với đường đi của ánh sáng). Các nhà thiên văn từ lâu đã biết rằng trường hấp dẫn của các lỗ đen mạnh tới mức có thể uốn cong không-thời gian xung quanh và làm ánh sáng đi qua gần chúng bị bẻ cong và phóng đại - một hiện tượng được gọi là vi thấu kính hấp dẫn. Họ tự hỏi rằng nếu như lỗ sâu có tồn tại, liệu chúng có gây ra vi thấu kính như thế hay không.

Tất nhiên, việc chứng minh lỗ sâu gây ra vi thấu kính liên quan tới việc phải chứng minh được rằng bản thân lỗ sâu có tồn tại trước đã. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng thuyết tương đối rộng cùng các lý thuyết khác có thể làm rõ xem có khả năng nào cho sự tồn tại của chúng hay không. Trong nghiên cứu mới này, nhóm nghiên cứu đã khám phá ra rằng có thể tính được cách mà điện tích của lỗ sâu bẻ cong đường đi của các tia sáng đi qua nó. Họ cũng tìm thấy bằng chứng lý thuyết rằng vi thấu kính của lỗ sâu sẽ tương tự như của lỗ đen.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng nghiên cứu trước đây đã cho thấy các lỗ đen có thể phân tách ánh sáng đi qua gần chúng và tạo thành nhiều ảnh khác nhau của vật thể phía sau. Trong khi đó, đối với lỗ sâu, lý thuyết gợi ý rằng chúng sẽ chỉ tạo ra được ba hình ảnh của vật thể phía sau, trong đó có 2 ảnh mờ và chỉ 1 ảnh sáng. Nếu như những ảnh như vậy tồn tại, chúng có khả năng tạo ra sự phóng đại rất lớn, có thể lên tới 100.000 lần, tức là lớn hơn nhiều so với khả năng phóng đại của lỗ đen.

Sự khác biệt này, theo các nhà nghiên cứu, có thể là cách để phân biệt được lỗ đen và lỗ sâu. Họ cũng lưu ý rằng nếu lý thuyết của họ là đúng, các lỗ sâu có thể là một công cụ mới để nghiên cứu những vật thể ở quá xa vốn không thể quan sát được bằng phương pháp thông thường.

Bryan
Theo Phys.org