James Webb telescope

Kính thiên văn không gian James Webb (JWST) đang gặp vấn đề. Một trong những công cụ của nó là máy quang phổ không khe cận hồng ngoại (NIRISS) đã mất kết nối. NIRISS rất quan trọng trong việc thu quang phổ của khí quyển các ngoại hành tinh cùng một số công việc khác.

Một cách chính xác thì vì một lỗi liên lạc xảy ra từ hôm 15 tháng 1 vừa qua, thiết bị này đã bị mất kết nối kể từ đó.

Lỗi liên lạc nội bộ đã khiến cho phần mềm điều hành thiết bị này rơi vào trạng thái "timing out" (quá thời gian chờ). Không có dấu hiệu nào cho thấy thiết bị này bị hư hỏng, bởi mọi phần khác của kính vẫn hoạt động bình thường.

Theo Viện Khoa học Kính thiên văn không gian, NIRISS bổ sung cho những công cụ khác của JWST bằng việc cung cấp "khả năng quan sát độc đáo ở dải sóng từ 0,6 tới 5 m". Nó được sử dụng để nghiên cứu khí quyển của các ngoại hành tinh, cũng như để tìm kiếm những tia sáng đầu tiên phát ra từ giai đoạn tái tổ hợp của vũ trụ, và để tìm kiếm chính các ngoại hành tinh. Nó cũng có thể chụp ảnh trường rộng để nghiên cứu số lượng và sự phân bố của các thiên thể, đồng thời được trang bị nhiều bộ lọc để tăng tính linh hoạt của nó. Nó có thể phân biệt được ánh sáng tới những vật thể ở rất gần nhau.

Cơ quan không gian Canada (CSA) là nơi chế tạo NIRISS - một phần đóng góp của họ trong sứ mệnh JWST. Họ cũng là nơi chế tạo Cảm biến định hướng chính xác (FGS) - một công cụ riêng biệt nhưng có thể được dùng kết hợp với NIRISS.

Tới nay chưa xác định được khi nào NIRISS sẽ được kết nối trở lại, nhưng rõ ràng đây là một tin xấu. Các nhà thiên văn đang có nhu cầu rất cao trong việc sử dụng JWST cho những quan sát của mình và việc này chắc chắn sẽ gây ra độ trễ mà tới nay chưa xác định được.

Đây không phải rủi ro đầu tiên mà JWST đã gặp phải. Hồi tháng 12, nó đã phải đi vào chế độ "safe mode" trong 3 tuần do lỗi ở phần mềm thuộc hệ thống kiểm soát hoạt động của nó. Máy ảnh MIRI của kính cũng đã từng dừng hoạt động trong một thời gian ngắn. Hi vọng rằng lỗi lần này cũng sẽ sớm được xử lý như những lần trước.

Bryan
Theo Phys.org