V 372 Orionis

Ở giữa tấm ảnh này mà kính thiên văn không gian Hubble đã chụp được là sao biến quang V 372 Orionis cùng một sao đồng hành nhỏ hơn của nó nằm ở phía trên bên trái. Cả hai ngôi sao này đều nằm trong tinh vân Orion, một vùng tạo sao lớn nằm cách Trái Đất khoảng 1.450 năm ánh sáng.

V 372 Orionis là một loại sao biến quang đặc biệt được gọi là sao biến quang Orion. Những sao trẻ này trải qua những dao động dữ dội và thất thường khiến các nhà thiên văn quan sát thấy sự biến đổi độ sáng một cách bất thường của chúng. Các sao biến quang Orion thường liên kết với các tinh vân khuếch tán, và V 372 Orionis không phải là ngoại lệ, khí và bụi của tinh vân Orion tràn ngập trong bức ảnh này như bạn có thể thấy.

Hình ảnh này là sự kết hợp dữ liệu từ hai công cụ của Hubble là máy ảnh khảo sát cao cấp và máy ảnh trường rộng số 3. Chúng thu ánh sáng ở bước sóng biểu kiến và hồng ngoại để có được các lớp hình ảnh đầy đủ về một góc của tính vân Orion. Hubble cũng để lại dấu ấn tinh tế của nó trong bức ảnh này qua những gai nhiễu xạ ở quanh các ngôi sao.

Bốn gai nhiễu xạ ở quanh những ngôi sao sáng mà bạn thấy trong hình ảnh trên là hệ quả của việc ánh sáng từ một điểm sáng mạnh tương tác với bốn cánh nằm bên trong làm giá đỡ cho gương thứ cấp của Hubble. Trong khi đó, ở những hình ảnh của kính James Webb thì bạn sẽ thấy có 6 gai nhiễu xạ do cấu trúc lục giác của gương chính và giá đỡ 3 chân dành cho gương thứ cấp.

R.T
Theo Phys.org