Black hole 'spaghettified' a star

Kính thiên văn không gian Hubble đã phát hiện ra một ngôi sao bị xé rách và kéo giãn thành dạng vòng như một chiếc bánh doughnut trong khi bị một lỗ đen siêu nặng nuốt lấy.

Lỗ đen siêu nặng này nằm cách Trái Đất khoảng 300 triệu năm ánh sáng, ở trung tâm của thiên hà ESO 583-G004. Nó xé toạc một ngôi sao đi tới quá gần và giải phóng ra những luồng bức xạ tử ngoại cực mạnh mà qua đó các nhà thiên văn có thể xác định được vị trí xảy ra vụ va chạm dữ dội này. (Hình ảnh mà bạn thấy bên trên không phải ảnh chụp trực tiếp của Hubble mà là hình ảnh mô phỏng được dựng lại trên máy tính).

Khi một lỗ đen dùng bữa của nó, lực hấp dẫn khủng khiếp từ nó gây ra những lực triều mạnh mẽ lên ngôi sao xấu số. Khi một ngôi sao tới quá gần lỗ đen, hấp dẫn tác động lên những khu vực gần của ngôi sao mạnh hơn rất nhiều so với những khu vực xa hơn. Việc đó dẫn tới việc ngôi sao bị xé rách và kéo giãn ra như một sợi mỳ, một hiện tượng được các nhà thiên văn gọi là spaghettigication (tạm dịch dễ hiểu là "hiệu ứng kéo mỳ"). Vật chất từ ngôi sao bị kéo giãn này chuyển động xoáy vào lỗ đen thành nhiều lớp giống như một sợi mỳ quấn quanh chiếc dĩa.

Chiếc doughnut của plama nóng rực này nhanh chóng được gia tốc cực nhanh về phía lỗ đen. Quá trình đó giải phóng ra những dòng bức xạ cực mạnh mà các kính thiên văn quang học, tia X và vô tuyến có thể phát hiện được.

Độ sáng đặc biệt của trường hợp này cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu lỗ đen trong một thời gian dài so với những sự kiện gián đoạn triều thông thường. Theo các nhà nghiên cứu, việc này có thể mang lại những thông tin đáng trông đợi về những khoảng khắc cuối cùng của ngôi sao xấu số.

Peter Maksym - nhà thiên văn ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian - cho biết trong một tuyên bố của NASA: "Chúng tôi đang nhìn vào đâu đó ở rìa của chiếc doughnut đó. Chúng tôi thấy một cơn gió sao từ lỗ đen quét qua bề mặt của ngôi sao và đang lao về phía chúng ta với vận tốc 20 triệu dặm một giờ (khoảng 32,18 triệu km/h, tương đương khoảng 3% vận tốc ánh sáng). Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm về sự kiện này.

Đối với một ngôi sao, sự kéo mì là một quá trình tàn khốc. Những lớp khí bề mặt của ngôi sao bị xé ra đầu tiên. Tiếp đó, chúng di chuyển xung quanh lỗ đen và xoáy dần vào trong. Phần còn lại của ngôi sao cũng nhanh chóng đi theo, bị gia tốc về phía lỗ đen. Dù vậy, trên thực tế thì ở hầu hết trường hợp, lỗ đen không nuốt chửng toàn bộ ngôi sao mà vẫn còn một số phần nằm ngoài và tiếp tục chuyển động quanh lỗ đen.

Bryan
Theo Live Science