Smiling Sun

Ba khoảng đen lớn xuất hiện trong khí quyển Mặt Trời khiến cho ngôi sao gần gũi nhất với chúng ta dường như đang mỉm cười, mặc dù thực tế là nó sắp tấn công chúng ta với những trận gió Mặt Trời dữ dội.

Người ta nói rằng khi bạn mỉm cười, thế giới cũng sẽ mỉm cười với bạn. Còn khi Mặt Trời mỉm cười, thế giới sẽ được tắm trong những làn sóng của plasma!

Đáng tiếc, đó là điều mà bức ảnh dường như đáng yêu này của Mặt Trời đang cho chúng ta biết. Được chụp ngày 26 tháng 10 vừa qua bởi Đài quan sát động lực học Mặt Trời của NASA (thực chất là một vệ tinh được phóng lên với mục đích theo dõi hoạt động của Mặt Trời từ năm 2010), hình ảnh này cho thấy ba khoảng tối riêng biệt trong khí quyển Mặt Trời với hình dạng giống như đôi mắt và một cái miệng đang mỉm cười.

Trên thực tế, những nơi này là những lỗ nhật hoa, những khu vực ở nhật hoa của Mặt Trời nơi mà từ đó gió Mặt Trời được ném vào không gian. (Đừng thử quan sát chúng bằng những chiếc kính thiên văn không được trang bị tấm lọc sáng Mặt Trời (solar filter), việc đó cực kỳ nguy hiểm đối với mắt của bạn).

Tương tự như các vết đen, nơi mà hoạt động từ trường diễn ra dữ dội ở bề mặt của Mặt Trời, các lỗ nhật hoa cũng có màu tối do chúng nguội hơn plasma ở khu vực xung quanh. Từ những cánh cổng tối này, gió Mặt Trời chứa đầy những hạt mang điện liên tục được dội vào không gian với vận tốc hơn 1 triệu dặm mỗi giờ (~1,6 triệu km/h).

Chúng ta có thể thấy những lỗ nhật hoa này một cách rõ nét bởi gió Mặt Trời từ đó đang lao thẳng về phía Trái Đất. Các nhà thiên văn dự đoán rằng luồng gió của những hạt mang điện này sẽ va chạm với từ trường của Trái Đất vào Thứ bảy hoặc Chủ nhật này (29 hoặc 30 tháng 10). Theo Spaceweather.com, việc đó có thể gây ra một trận bão địa từ nhỏ.

Loại bão địa từ yếu nhất - cấp G1 - có thể làm xáo trộn các vệ tinh trên quỹ đạo và gây biến động nhỏ trong lưới điện trên Trái Đất. Tin tốt ở đây là nó sẽ gây ra cực quang phương Bắc ở những vĩ độ thấp hơn thông thường, giúp các nhà quan sát ở nhiều hơi hơn có cơ hội để mỉm cười khi ngắm nhìn các electron nhảy múa trong khí quyển của chúng ta (tất nhiên, ở những vĩ độ thấp hẳn như Việt Nam thì điều đó sẽ không xảy ra).

Bryan
Theo Livescience