Cartwheel Galaxy

Các nhà khoa học tại NASA vừa công bố những bức ảnh được kết hợp từ dữ liệu ban đầu của Kính thiên văn Không gian James Webb (JWST) và dữ liệu thu được ở dải bước sóng tia X do Đài quan sát Chandra chụp được. Ngoài vẻ đẹp của chúng thì những bức ảnh này còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về các hoạt động diễn ra bên trong một số hiện tượng vật lý thiên văn phức tạp nhất trong vũ trụ.

Các bước sóng ánh sáng khác nhau sẽ tiết lộ những loại thông tin khác nhau về vũ trụ. Mỗi chiếc kính thiên văn thế hệ mới mà chúng ta phóng vào không gian hoặc đặt trên mặt đất đều cung cấp một cái nhìn mới về những quá trình mà chúng ta không thể nhận biết được.

Chẳng hạn như JWST được thiết kế chủ yếu để quan sát bức xạ hồng ngoại, loại bức xạ được phát ra bởi các vật thể ấm và có thể dễ dàng đi xuyên qua các đám mây khí mà không bị hấp thụ hay phân tán. Điều này sẽ giúp các nhà thiên văn có thể nhìn sâu vào trung tâm của những đám mây bụi dày đặc, giống như những đám mây bao quanh những sao mới hình thành.

Trong khi đó, đài quan sát tia X Chandra được thiết kế chủ yếu để quan sát bức xạ ở đầu kia của phổ năng lượng. Tia X được sinh ra từ một số sự kiện dữ dội nhất trong vũ trụ, chẳng hạn như các vụ nổ supernova (các vụ nổ cực lớn xảy ra vào cuối đời của những sao nặng) và các pulsar (là các sao neutron có từ trường mạnh và tốc độ quay cực nhanh, phát ra một luồng bức xạ điện từ mà khi luồng này hướng về phía Trái Đất sẽ được ghi nhận dưới dạng các xung điện từ lặp lại theo chu kỳ). Bức xạ mà chúng ta nhận được dưới dạng tia X sẽ nói cho chúng ta biết về cách hoạt động của các quá trình năng lượng cao này.

Để có được cái nhìn về bầu trời tốt nhất, chúng ta phải kết hợp quan sát ở các bước sóng khác nhau. Trong trường hợp gần đây nhất, các nhà khoa học tại NASA đã thu được những bức ảnh từ JWST mà đã được công bố gần đây và họ phủ những bức ảnh này lên những bức ảnh chụp các vật thể tương tự của đài quan sát Chandra.

Các nhà khoa học vẫn chưa khai thác các bức ảnh này và công bố nghiên cứu của họ, nhưng chúng ta đã có thể rút ra một số kết luận. Bức xạ tia X sẽ nói cho chúng ta biết về nơi diễn ra các quá trình năng lượng cao, trong khi bức xạ hồng ngoại sẽ cho chúng ta biết về vị trí các vật thể ấm bị che khuất trong các đám mây bụi. Chẳng hạn như trong bức ảnh chụp về 5 thiên hà của Stephan's Quintet (Bộ ngũ Stephen), thì phía trên 2 thiên hà ở trung tâm là một đám mây hỗn độn. Đây là một sóng xung kích mà chúng ta sẽ không thể nhìn thấy được nếu không nhờ Chandra.

 


Bức ảnh được tạo thành sự kết hợp giữa Chandra và James Webb của Stephan’s Quintet (Bản quyền hình ảnh: NASA)

 

Bạn có thể tự xem album ảnh tại đây. Trong khi các nhà khoa học tiếp tục kết hợp dữ liệu để tiết lộ thêm những cái nhìn mới thì chúng ta có thể thoải mái thưởng thức những bức ảnh tuyệt đẹp này.

Hồng Anh
Theo phys.org