Planet Saola

NameExoWorlds 2022 là cuộc thi lần thứ ba do Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) tổ chức để đặt tên cho các ngoại hành tinh. Lần này, VACA đã đại diện Việt Nam gửi tới một đề xuất, và hi vọng nó sẽ được chấp thuận để lần đầu tiên có một cái tên tiếng Việt giữa các vì sao.

Giới thiệu về cuộc thi (từ IAU)

Các nền văn hóa trên khắp thế giới từ lâu đã tạo mối liên hệ với các vật thể trong thế giới tự nhiên bằng cách đặt tên cho chúng bằng tiếng bản ngữ của họ. Nhiều nền văn minh đã phát triển những câu chuyện, thần thoại và bối cảnh văn hóa của riêng họ xung quanh những tia sáng trên bầu trời nơi mà họ coi là thiên đường. Thông qua những kết nối này, cuối cùng nhân loại đã tìm thấy vị trí của mình giữa các vì sao. Đây là những câu chuyện thiên văn đầu tiên mà sau này nhân loại gọi là khoa học và là sự khởi đầu cho hành trình vĩnh cửu tìm hiểu Vũ trụ.

Khi IAU được thành lập vào năm 1919, một trong những nhiệm vụ được giao cho các nhà thiên văn học chuyên nghiệp là lập danh mục các thiên thể và đưa ra các quy ước nhất quán để đặt tên cho chúng. Những tiến bộ trong khoa học và công nghệ gần đây đã cho phép chúng ta phát hiện ra một danh mục thiên thể mới, được gọi là ngoại hành tinh - những hành tinh quay quanh các ngôi sao mẹ khác. Các ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện chỉ cách đây ba thập kỷ và đã có hơn 5000 đã được xác định kể từ đó. Hầu hết các hành tinh này chỉ được gọi theo tên khoa học của chúng và không có mối liên hệ nào với những câu chuyện và nền văn hóa của chúng ta.

NameExoWorlds 2022 là sự hợp tác giữa Nhóm Công tác của Ủy ban Điều hành về Danh pháp các hệ Ngoại Hành tinh (Executive Committee Working Group on Exoplanetary Systems Nomenclature) và Văn phòng IAU về Tiếp cận Thiên văn học. Trong cuộc thi năm nay, IAU mong muốn tập hợp sự hợp tác giữa công chúng, các nhà thiên văn nghiệp dư và các nhà khoa học ngoại hành tinh và cùng nhau đặt tên cho danh sách các ngoại thế giới mới này. Bất kỳ ai, kể cả sinh viên và giáo viên, những người đam mê thiên văn học, các nhà thiên văn nghiệp dư và các nhà khoa học ngoại hành tinh, đều có thể thành lập một nhóm và đề xuất tên cho 20 hệ ngoại hành tinh, mỗi hệ bao gồm một ngoại hành tinh đã biết và ngôi sao chủ của nó.

 

Đề xuất từ Việt Nam

Trong hai lần trước NameExoWorlds được tổ chức (2015 và 2019), đã có nhiều cái tên thuộc về những nền văn hóa khác nhau được lựa chọn để đặt cho các ngoại hành tinh mới được phát hiện. Các quốc gia châu Á (trong đó có cả các nước Đông Nam Á) cũng đã góp mặt không ít trong số đó. Những tên gọi do chính IAU chấp thuận này được coi là tên chính thức của các thiên thể và sử dụng song song với ký hiệu ban đầu (khác với tên do qui ước cục bộ của từng nhóm người hay nền văn hóa - chẳng hạn, sao Vega được người phương Đông gọi là Chức Nữ, nhưng cho dù câu chuyện đó nổi tiếng với chúng ta thì cái tên đó vẫn không được coi là chính thức).

Với mong muốn có ít nhất một cái tên tiếng Việt được đặt cho các thiên thể, cũng như thông qua đó nhấn mạnh thêm vai trò của nghiên cứu và phổ biến kiến thức khoa học, VACA đã lập nhóm tham dự từ tháng 8 năm nay. Tới cuối tháng 10, sau nhiều hoạt động với sự tham gia và hỗ trợ của rất nhiều độc giả yêu khoa học, VACA đã chính thức gửi đề xuất tới IAU về việc đặt tên cho ngoại hành tinh L 168-9b và sao chủ của nó là L 168-9 trong chòm sao Tucana - một trong số 20 ngoại hành tinh đầu tiên được kính thiên văn không gian James Webb phát hiện trong lượt quan sát đầu tiên của nó.

Trong quá trình thảo luận, nhóm của VACA đã thống nhất chọn ra ba cái tên nhiều tiềm năng nhất và đưa ra để người yêu khoa học cùng bình chọn cũng như đưa ra thêm gợi ý khác. Việc bình chọn đã được thực hiện trực tiếp trong sự kiện "Những thế giới xa hơn Mây Oort" ngày 16/10/2022 và thông qua trực tuyến trên các phương tiện của VACA.

Kết quả cuối cùng, cái tên được bình chọn nhiều nhất là Saola (Sao la - tên của một loài động vật rất hiếm được xếp vào nhóm bị đe dọa nghiêm trọng trong sách đỏ của IUCN, và được coi là một trong những đặc trưng tự nhiên của Việt Nam). Đồng thời, nhóm cũng đề xuất tên cho sao chủ của hành tinh là TruongSon (Trường Sơn - dãy núi nổi tiếng của Việt Nam và là nơi mà loài sao la sinh sống).

Đề xuất của nhóm gửi tới IAU bao gồm báo cáo chi tiết bằng tiếng Anh về hoạt động thảo luận và bình chọn, danh sách thành viên nhóm, giải trình chi tiết về lý do chọn tên gọi nêu trên, cùng với video bằng tiếng bản địa (ở đây là tiếng Việt) với phụ đề tiếng Anh để giải thích cho việc này. Dưới đây, bạn có thể xem video mà VACA đã gửi cho IAU để hiểu rõ hơn về lựa chọn này.

IAU sẽ xem xét các đề xuất và công bố kết quả cuối cùng vào ngày 20 tháng 3 năm 2023. Hi vọng rằng khi đó, lần đầu tiên sẽ có hai cái tên tiếng Việt được đặt cho các thiên thể trong vũ trụ.

Cám ơn các độc giả yêu khoa học đã tham gia và hỗ trợ chúng tôi trong sự kiện này!

VACA