NameExoWorlds 2022

NameExoWorlds là cuộc thi do Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 với mục tiêu để các nhà nghiên cứu và người yêu khoa học trên khắp thế giới đều có thể tham gia vào việc chọn tên cho các ngoại hành tinh mới được phát hiện. Năm 2022, Việt Nam cũng sẽ có đề xuất được gửi tới IAU, và bạn có thể giúp đề xuất này thành công.

Từ năm 1995 - khi hành tinh đầu tiên quanh một ngôi sao dạng Mặt Trời được phát hiện - cho tới nay, đã có tất cả hơn 5.000 hành tinh như thế - những "ngoại hành tinh" - được xác nhận bởi các nhà thiên văn, và chắc chắn con số sẽ tăng lên rất nhanh trong những năm tiếp theo.

Tìm kiếm và hiểu về các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời không chỉ để tìm một điểm đến cho tương lai xa của nhân loại, mà còn là cách để chúng ta hiểu hơn về chính cách mà chúng ta đã ra đời, những gì sẽ đợi hệ hành tinh của chúng ta trong tương lai, và tất nhiên, còn để hiểu biết hơn về vũ trụ và trả lời cho câu hỏi cuối cùng: Liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ?

Tháng 12 năm 2021, kính thiên văn không gian James Webb - chiếc kính thiên văn không gian lớn nhất, cũng là kính thiên văn hồng ngoại lớn nhất trong lịch sử - đã được phóng vào không gian. Nửa năm sau, ở nơi cách Trái Đất 1,5 triệu kilomet, nó đã bắt đầu gửi về cho các nhà khoa học những hình ảnh đầu tiên với độ sắc nét chưa từng có về vũ trụ. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chiếc kính này chính là tìm kiếm và xác định đặc điểm của các ngoại hành tinh. Nhân dịp này, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) tổ chức cuộc thi đặt tên cho các ngoại hành tinh lần thứ ba, với mục tiêu là tìm ra những tên gọi phù hợp và tôn vinh giá trị ngôn ngữ, văn hóa hoặc đặc điểm tự nhiên của các quốc gia khác nhau trên thế giới cho 20 ngoại hành tinh đầu tiên mà Webb đã quan sát được.

Vào cuộc thi năm 2019 (mà Việt Nam chưa có nhóm tham dự), đã có một số quốc gia ngay ở Đông Nam Á đã thành công trong việc đưa một cái tên nào đó của họ lên bầu trời. Chẳng hạn, nhóm dự thi của Thái Lan đã được chấp thuận tên gọi đặt cho sao WASP-50 trong chòm sao Eridanus và hành tinh đã được phát hiện của nó - WASP-50 b - lần lượt là Chaophraya và Maeping - tên của hai con sông lớn nhất của Thái Lan (Chao Phraya và Mae Ping); hay nhóm dự thi người Brunei đã được chấp thuận tên Mastika cho hành tinh HD 179949 b. Những tên được IAU chấp thuận này đều được coi là tên gọi chính thức của các ngoại hành tinh, dùng song song với ký hiệu ban đầu của chúng.

 

Vậy khi nào thì sẽ có một cái tên tiếng Việt trên bầu trời?

 

Chưa từng có bất cứ tên một thiên thể nào được đặt tên chính thức theo những tên riêng hoặc danh từ trong tiếng Việt. Mặc dù cuộc thi này không hề dễ dàng, nhưng năm nay sẽ là cơ hội để bạn góp phần vào việc này.

VACA đang tổ chức việc chọn tên gọi chính thức cho một trong số 20 ngoại hành tinh đầu tiên mà James Webb đã phát hiện trong lượt quan sát đầu tiên của nó. Nhóm của VACA bao gồm các nhà nghiên cứu về vật lý, thiên văn, khoa học xã hội, chuyên gia ngôn ngữ, dịch giả, sinh viên các ngành tự nhiên, ... đã cùng lên kế hoạch tổ chức giới thiệu hoạt động tới cộng đồng và chọn ra những ứng viên tiềm năng để đề xuất với IAU.

Bạn có thể tham gia hỗ trợ việc chọn tên này bằng cách chọn một trong ba ứng viên mà chúng tôi đề xuất, đồng thời chủ động đề xuất thêm ý kiến cá nhân của bạn. Sự tham gia của bạn không chỉ để giúp nhóm dự thi mà quan trọng hơn chính là để hỗ trợ việc đưa được cái tên đầu tiên của tiếng Việt lên bầu trời.

 

Dưới đây là các lựa chọn mà nhóm xin đề xuất:

1. Saola

Sao la là loài động vật thuộc phân họ trâu bò sống chủ yếu ở khu vực rừng Trường Sơn của Việt Nam và một số ít ở Lào. Đây là một trong những loài thú lớn hiếm nhất thế giới, nằm trong nhóm các loài bị đe dọa nghiêm trọng (Critically Endangered) trong danh sách đỏ của IUCN. Nó đã được chọn là linh vật của SEA Games 2021 tổ chức tại Việt Nam. Một điểm đặc biệt nữa là mặc dù là danh từ chung nhưng con vật này không hề cần được dịch ra ngôn ngữ khác mà được quốc tế thừa nhận tên gọi là "saola".

Ngoại hành tinh được chọn: L 168-9b
Tên cho ngôi sao của hệ: TruongSon (Trường Sơn)
Chòm sao: Tucana

 

2. GiaoLong

Truyền thuyết về hồ Ba Bể của Việt Nam có nhắc tới một loài quái vật có hình dạng giống như rắn hoặc rồng, được gọi là "giao long" hoặc "thuồng luồng". Nó rất phổ biến trong những truyện dân gian của Việt Nam và ở nhiều nơi, người ta thờ loài vật này với mong muốn được che chở ở những vùng sông, biển, ... Cái tên này cũng phù hợp với chủ đề của chòm sao Hydra.

Ngoại hành tinh được chọn: GJ 1214b
Tên cho ngôi sao của hệ: Babe
Chòm sao: Hydra

 

3. BachMa

Bạch Mã (trong tiếng Hán - Việt có nghĩa là ngựa trắng) là tên một ngọn núi thuộc dãy núi Trường Sơn, dãy núi chính của Việt Nam, kéo dài dọc theo lãnh thổ quốc gia. Bạch Mã là một dãy núi tiêu biểu trong hệ thống Trường Sơn, là kết thúc của phần Trường Sơn Bắc. Bạch Mã có nhiều ý nghĩa về địa lý cùng lịch sử, là ranh giới tự nhiên hiện tại của 2 tỉnh hiện tại, từng ranh giới giữa 2 miền Nam Bắc trong lịch sử phong kiến.

Ngoại hành tinh được chọn: HIP_65426/HIP_65426b
Tên cho ngôi sao của hệ: TruongSon (Trường Sơn)
Chòm sao: Centaurus

 

Để cho biết lựa chọn và đề xuất của mình, mời bạn ẤN VÀO ĐÂY.

Bạn cũng có thể tham gia sự kiện "Những thế giới xa hơn Mây Oort" do VACA tổ chức tại Hà Nội sáng 16/10/2022 về nội dung này.

VACA