Khoảng 66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh dài 10 km đã lao vào Trái Đất, dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài khủng long. Bằng chứng mới được tìm thấy gợi ý rằng sự kiện đã tạo nên hố va chạm Chicxulub này cũng đã kích hoạt một trận động đất lớn tới mức làm rung chuyển cả hành tinh suốt hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi va chạm xảy ra.
Lượng năng lượng được giải phóng từ siêu động đất này được ước tính là 10623 joule, tức là gấp 50.000 lần năng lượng giải phóng ở trận động đất 9,1 độ xảy ra ở Sumantra hồi năm 2004.
Hermann Bermúdez sẽ công bố bằng chứng về siêu động đất này vào ngày Chủ nhật tới, 09/10/2022, ở hội nghị của Hiệp hội Địa chất Hoa Kỳ (GSA) tổ chức tại Denver. Đầu năm nay, với sự hỗ trợ từ một nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp của Denver, Bermúdez đã tới nơi có dấu vết của sự kiện tuyệt chủng lớn này ở Texas, Alabama và Missisipi để thu thập dữ liệu bổ sung cho nghiên cứu trước đó của ông ở Colombia và Mexico về các bằng chứng liên quan tới vụ va chạm gây ra thảm họa này.
Năm 2014, khi làm việc trên đảo Gorgonilla của Colombia, Bermúdez đã tìm thấy trầm tích spherule - loại trầm tích chứa đầy những hạt thủy tinh nhỏ với kích thước mỗi hạt có thể lên tới 1,1 mm - và những mảnh tektite và microtektite (những viên đá chứa nhiều thủy tinh thường được tìm thấy ở gần những khu vực có va chạm thiên thạch) được ném vào khí quyển trong quá trình xảy ra vụ va chạm. Những mẩu vật chất chứa thủy tinh này hình thành khi nhiệt độ và áp suất của vụ va chạm làm nóng chảy và phân tách lớp vỏ Trái Đất, ném lên không trung những mẩu vật chất nóng rực trước khi chúng tới xuống đất dưới dạng thủy tinh dưới tác động của trọng lực.
Những tảng đá ở đảo Gorgonilla có thể kể cho chúng ta một câu chuyện ở độ sâu 2 km dưới đáy đại dương. Ở đó, cách nơi vụ va chạm diễn ra khoảng 3.000 km về phía Tây Nam, cát, bùn và những sinh vật biển nhỏ đang tích tụ rất nhiều dưới đáy đại dương khi tiểu hành tinh lao tới. Các lớp bùn và sa thạch cao tới 10-15 mét dưới đáy đại dương đã trải qua biến dạng trầm tích mềm vẫn còn được bảo tồn trong các mỏm đá tới tận ngày nay, và Bermúdez cho rằng nguyên nhân của việc này là những rung chuyển khi va chạm diễn ra. Những vết đứt gãy và biến dạng do rung động tiếp tục tăng lên qua từng lớp giàu spherule được tích tụ sau va chạm, cho thấy sự rung động này phải kéo dài trong hàng tuần hoặc hàng tháng trước khi những hạt này lắng được xuống tới đáy đại dương. Ngay trên lớp trầm tích này, những bào tử dương xỉ được bảo tồn báo hiệu sự hồi phục của đời sống thực vật sau va chạm.
Bằng chứng tương tự về sự biến dạng do siêu động đất cũng được tìm thấy ở Mỹ và Mexico. Bermúdez sẽ nói về những bằng chứng này vào hội nghị của GSA diễn ra ngày mùng 9 tháng 10. Ông cũng sẽ trình bày những quan sát về trầm tích sóng thần và những dấu vết của động đất vào ngày thứ hai, 10/10. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hợp tác nghiên cứu trong việc khảo sát và nghiên cứu các mỏm đá để kể lại câu chuyện khắc nghiệt này của lịch sử Trái Đất.
R.T
Theo Science Daily