DART

Thứ hai vừa qua, 26/9, tàu không gian DART của NASA cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ của nó khi lao thẳng vào một tiểu hành tinh để làm chệch quỹ đạo của nó - một nỗ lực trong việc thử nghiệm cách mà chúng ta sẽ sử dụng để ngăn chặn những cuộc tấn công trong tương lai của các vật thể tới từ ngoài không gian.

Tàu không gian DART của NASA, có tên đầy đủ là Double Asteroid Redirection Test (Thử nghiệm kép về việc chuyển hướng tiểu hành tinh). Nó là một thiết bị có dạng lập phương, nặng 550 kg có trang bị các cảm biến, camera, động cơ phản lực ion, và gắn với hai tấm pin Mặt Trời dài 8,5 mét. Mục tiêu của nó là lao thẳng vào tiểu hành tinh Dimorphos - một khối đá không gian có chiều rộng 160 mét.

Cú va chạm này đã xảy ra khi con tàu đang lao đi với vận tốc 21.160 km/h, khiến nó vỡ tan ngay sau va chạm.

Mục tiêu của cú va chạm này là làm cho quỹ đạo của Dimorphos xung quanh tiểu hành tinh đồng hành lớn hơn của nó - tiểu hành tinh Didymos rộng 390 mét - chậm lại tối thiểu là 73 giây. Tất nhiên, cả hai tiểu hành tinh này đều không hề có chút đe dọa nào đối với Trái Đất. Mục tiêu của nó, như bạn có thể thấy trong cái tên của nhiệm vụ, chỉ là thử nghiệm xem một con tàu như vậy có thể làm chệch hướng một tiểu hành tinh đủ lớn để gây ra thiệt hại tương đối đáng kể nếu nó va chạm với Trái Đất hay không. Sẽ còn mất vài tuần nữa để dữ liệu đầy đủ về kết quả của vụ va chạm được thu thập và phân tích để đưa ra kết luận về mức độ thành công của thử nghiệm này.

Những khoảnh khắc cuối cùng của DART được ghi lại bởi máy ảnh DRACO gắn trên tàu. Nó là những hình ảnh lướt cực nhanh bởi vận tốc quá lớn của con tàu khi nó lao vào Dimorphos. Chỉ ba phút trước va chạm, hình ảnh thu được chỉ là một cái bóng mờ nhạt với kích thước 42 pixel. Thế rồi nó được phóng to lên rất nhanh và cho các nhà khoa học những cái nhìn thoáng qua về địa hình gồ ghề và những vùng tối của tiểu hành tinh trước khi tất cả biến mất bởi cả máy ảnh và con tàu đã lao thẳng vào đó và vỡ tan.

Vũ va chạm này cũng được quan sát bởi nhiều đài quan sát mặt đất và cả kính thiên văn không gian James Webb. Những theo dõi tiếp theo vẫn sẽ cần thiết để xác định được chính xác hệ quả của va chạm, qua đó sẽ giúp các nhà khoa học xác định được độ lớn và hướng của lực cần thiết để tạo ra một thay đổi nhất định trong quỹ đạo của những tiểu hành tinh như vậy.

Mặc dù Dimorphus chỉ là một tiểu hành tinh nhỏ (nó chỉ rộng 160 mét, trong khi thứ từng dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài khủng long cách đây 65 triệu năm còn lớn hơn cả đỉnh Everest), nhưng thử nghiệm này là cực kỳ quan trọng để nâng cao khả năng phòng thủ hành tinh của nhân loại trong tương lai. Ngoài ra, bản thân việc tiếp cận một tiểu hành tinh và chụp ảnh cận cảnh của nó cũng đã là một đột phá ở thời điểm này.

Bryan