Orion là một trong những chòm sao được biết tới và nhận được nhiều sự chú ý nhất trên bầu trời. Với những ngôi sao gần nhất chỉ cách Trái Đất vài trăm năm ánh sáng, chòm sao này là nơi có chứa những ngôi sao thuộc loại sáng nhất trên bầu trời đêm (trong đó có Betelgeuse nổi tiếng) và một vườn ươm sao với đầy những ngôi sao trẻ đáng để nghiên cứu.
Giờ đây, với sức mạnh của kính thiên văn không gian James Webb (JWST), các nhà nghiên cứu đã thu được những hình ảnh sắc nét và chi tiết nhất từng có trong lịch sử của Orion.
Những hình ảnh đã được công bố hôm 12 tháng 9 không tập trung vào chiếc thắt lưng nổi tiếng được tạo thành từ ba ngôi sao sáng của Orion, mà thay vào đó hướng về "thanh kiếm" nằm ở phía Nam của nó. Ở giữa thanh kiếm là tinh vân Orion - một trong những vùng tạo sao lớn nhất và sáng nhất gần Trái Đất.
Có thể được nhìn thấy bằng mắt thường đối với người quan sát từ Trái Đất, tinh vân Orion là một mục tiêu nổi tiếng đối với các nhà quan sát trong nhiều thế kỷ qua - trong đó có nhà thiên văn Galileo Galilei, người đã phát hiện ra cụm sao lớn nhất của tinh vân này - được gọi là Trapezium - cách đây hơn 400 năm. Giờ đây, những hình ảnh mới của JWST phóng đại vùng trung tâm của tinh vân này lên ở mức độ chưa từng có, hé lộ những cấu trúc đang dịch chuyển của khí tạo sao đang được định hình bởi bức xạ mạnh mẽ từ các ngôi sao khác.
Els Peeters, giáo sư thiên văn học tại Đại học Miền Tây ở Ontario, Canada, cho biết: "Các sao trẻ và nặng phát xạ một lượng lớn bức xạ tử ngoại trực tiếp vào chính đám mây vẫn còn bao quanh chúng, việc đó làm biến đổi hình dạng của đám mây cũng như thành phần hóa học của nó. Những quan sát mới này cho phép chúng tôi hiểu hơn về cách mà các sao nặng làm thay đổi khí và bụi trong chính những đám mây nơi chúng ra đời."
Rực sáng ở trung tâm của tấm hình là sao Omicron 2 Orionis A, nằm cách chúng ta khoảng 186 năm ánh sáng. Bản thân tinh vân Orion thì nằm ở xa hơn nhiều phía sau, cách Trái Đất khoảng 1.350 năm ánh sáng, nơi có hàng nghìn sao trẻ phát sáng và chiếu xạ những đám mây quanh chúng.
Tương tác dữ dội giữa các ngôi sao và khu vực của chúng có thể được nhìn thấy rõ nhất ở dải khí dài màu nâu phía sau ngôi sao trung tâm. Bức tường đậm đặc này được gọi là "thanh Orion", nó đang bị đẩy dần ra xa bởi bức xạ mạnh mẽ từ những ngôi sao sáng và nóng nhất ở tinh vân Orion. Trái khắp thanh này là một loạt những chi tiết ngọa mục và bí ẩn, bao gồm những sợi dài và mỏng chứa hydro, các sao được bao quanh bởi những đĩa tiền hành tinh và những đám khí khổng lồ đang dần sụp đổ dể tạo thành những sao sơ sinh ngay trước mắt các nhà thiên văn.
Galileo hẳn phải rất ấn tưởng nếu thấy điều này.
Bryan
Theo Live Science