Kính thiên văn không gian James Webb (JWST) vừa hé lộ những chi tiết cực kỳ hấp dẫn về một thiên hà vốn được biết tới từ trước đây, cách chúng ta 32 triệu năm ánh sáng. Bức ảnh này đã được công bố bởi NASA và ESA.
Công nghệ hồng ngoại của chiếc kính thiên văn vừa được phóng hồi tháng 12 năm ngoái này cho phép các nhà khoa học có được một cái nhìn rõ ràng hơn về thiên hà Bóng ma (Phantom Galaxy) vốn đã được biết tới từ trước đó.
Theo NASA và ESA thì "tầm nhìn sắc nét của Webb đã cho thấy những sợi khí và bụi mỏng uốn quanh những cánh tay xoắn khổng lồ tỏa ra từ trung tâm của bức ảnh."
"Việc có ít khí trong vùng trung tâm cũng mang lại cái nhìn không bị che khuất về cụm sao ở trung tâm thiên hà," hai cơ quan nêu trên cho biết trong thông báo của mình.
Thiên hà xoắn này có tên chính thức là M74 (Messier 74), nằm cách Trái Đất khoảng 32 triệu năm ánh sáng trong vùng trời của chòm sao Pisces.
Hình ảnh của Webb cho thấy những phần màu trắng, đỏ, hồng và xanh nhạt rực rỡ của khí và các sao chuyển động xoáy quanh phần trung tâm sáng màu xanh, nổi bật lên trên nền tối của không gian.
M74 từng được ghi hình trước đây bởi kính thiên văn không gian Hubble, cho thấy những cánh tay xoắn màu xanh và hồng, nhưng trong quan sát đó thì trung tâm thiên hà lại có màu vàng nhạt.
Theo NASA và ESA thì thiên hà Bóng ma là một "đối tượng yêu thích của các nhà thiên văn để nghiên cứu về nguồn gốc và cấu trúc của dạng xoắn ở các thiên hà." Hình ảnh mà Webb vừa có được sẽ giúp họ "biết thêm về những giai đoạn sớm của sự tạo sao trong vùng vũ trụ địa phương," và có thêm thông tin về 19 thiên hà tạo sao ở khá gần Milky Way.
Các nhà thiên văn cũng sẽ sử dụng những hình ảnh như thế này để xác định chính xác những vùng tạo sao trong các thiên hà, đo chính xác khối lượng và tuổi của các cụm sao cũng như có được hiểu biết sâu sắc về bản chất của những hạt bụi nhỏ trôi dạt trong không gian.
Những hình ảnh mới của Webb thời gian qua đã gây chấn động cho cộng đồng thiên văn khi nó vẫn đang chuyển động quanh Mặt Trời ở khoảng cách 1,6 triệu km tính từ Trái Đất, trong một khu vực được gọi là điểm Lagrange thứ 2 (L2).
Chiếc kính thiên văn này có gương chính rộng 6,5 mét, là kết quả hợp tác của NASA, ESA và CSA. Nó được kỳ vọng rằng sẽ hoạt động ổn định trong khoảng 20 năm.
R.T
Theo Phys.org