Nghiên cứu mới của Đại học Curtin đã cung cấp bằng chứng rất thuyết phục chứng minh rằng các lục địa của Trái Đất được hình thành bởi sự va chạm với những thiên thạch khổng lồ, điều này đặc biệt phổ biến trong khoảng một tỷ năm đầu tiên so với bốn tỷ năm rưỡi lịch sử hình thành hành tinh của chúng ta.
Tiến sĩ Tim Johnson - Viện Khoa học Trái đất và Hành tinh tại Đại học Curtin, cho biết ý tưởng các lục địa ban đầu được hình thành tại các địa điểm xảy ra va chạm với thiên thạch khổng lồ đã có từ nhiều thập kỷ trước, nhưng cho đến nay vẫn có rất ít bằng chứng thuyết phục ủng hộ lý thuyết này.
Tiến sĩ Johnson cho biết: “Bằng cách kiểm tra các tinh thể nhỏ của khoáng chất zircon trong các viên đá tại Pilbara Craton, Tây Úc, nơi bảo tồn tốt nhất các tàn tích của lớp vỏ cổ đại trên Trái Đẩt, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng về những tác động của những thiên thạch khổng lồ này.
"Nghiên cứu thành phần đồng vị oxy trong các tinh thể zircon này hé mở ra một quá trình 'từ trên xuống' bắt đầu bằng sự tan chảy của đá gần bề mặt và sâu hơn nữa, phù hợp với hiệu ứng địa chất của các vụ va chạm thiên thạch khổng lồ".
"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng thuyết phục đầu tiên cho các quá trình mà cuối là sự hình thành của các lục địa bắt đầu từ sự vạ chạm của thiên thạch khổng lồ, tương tự như các tác nhân gây ra sự tuyệt chủng của khủng long, nhưng đã xảy ra hàng tỷ năm trước đó."
Tiến sĩ Johnson nhận định việc hiểu được sự hình thành và tiến hóa liên tục của các lục địa trên Trái Đất là rất quan trọng vì những vùng đất này chứa đa số sinh khối của Trái Đất, tất cả con người và hầu như tất cả các mỏ khoáng sản quan trọng của hành tinh.
“Không kém phần quan trọng, các lục địa sở hữu những kim loại thiết yếu như lithium, thiếc và niken, đó những nguyên liệu cần thiết phục vụ cho các công nghệ xanh mới nổi, đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm thiểu biến đổi khí hậu của chúng ta”. Tiến sĩ Johnson cho biết.
"Những mỏ khoáng sản này là kết quả cuối cùng của một quá trình được gọi là sự phân hóa lớp vỏ, bắt đầu bằng việc hình thành các lớp đất sớm nhất, trong đó Pilbara Craton chỉ là một trong số đó.
"Dữ liệu liên quan đến lớp vỏ lục địa cổ đại ở các khu vực khác trên Trái Đất cũng thể hiện các mô hình tương tự như được ghi nhận tại Tây Úc. Chúng tôi muốn kiểm tra phát hiện của mình trên những tảng đá cổ đại này để xem liệu mô hình của chúng tôi có được áp dụng rộng rãi hơn hay không."
Tiến sĩ Johnson liên kết với Viện Nghiên cứu Khoa học Địa chất (TIGeR), viện nghiên cứu khoa học Trái Đất hàng đầu của trường Đại Học Curtin.
Goneww
Theo Science Daily