asteroid

Một tiểu hành tinh "có tiềm năng gây nguy hiểm" với kích thước của một con cá voi xanh sẽ đi ngang qua khá gần Trái Đất vào thứ sáu tuần này, ngày 12/08. Tuy nhiên, không có gì thực sự đáng lo ngại cả.

Tiểu hành tinh có tên là 2015 FF được ước tính là có đường kính khoảng 13 tới 28 mét - tương đương với kích thước của một con cá voi xanh trưởng thành (loài động vật lớn nhất trên Trái Đất), sẽ lướt qua chúng ta với vận tốc 33.012 km/h.

Vào thời điểm tới gần Trái Đất nhất, tiểu hành tinh này di chuyển với vận tốc gấp 27 lần vận tốc âm thành và sẽ cách chúng ta 4,3 triệu km, tức là gấp 8 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng. Tất nhiên, khoảng cách này là hoàn toàn an toàn, nhưng theo thang khoảng cách thiên văn thì đây chỉ là một độ lệch rất nhỏ.

NASA coi mọi vật thể có thể tới gần Trái Đất ở phạm vi 193 triệu km là những vật thể gần Trái Đất (NEO) và bất cứ vật thể nào tới gần chúng ta dưới 7,5 triệu km là "có tiềm năng gây nguy hiểm". Một khi vật thể được đánh dấu như vậy, các nhà thiên văn sẽ theo dõi chúng rất cẩn thận, vì chỉ một biến động rất nhỏ trong quỹ đạo có thể khiến chúng chệch hướng và lao về phía Trái Đất.

Hiện nay, NASA có được thông tin về vị trí và quỹ đạo của 28.000 tiểu hành tinh, nhờ bản đồ được lập ra bởi Hệ thống cảnh báo cuối cùng về va chạm tiểu hành tinh với Trái Đất, viết tắt là ATLAS - một tổ hợp 4 kính thiên văn được xây dựng để quét toàn bộ bầu trời đêm cứ 24 giờ một lần. Kể từ khi ATLAS chính thức hoạt động vào năm 2017, nó đã phát hiện hơn 700 tiểu hành tinh gần Trái Đất và 66 sao chổi. Hai trong số những tiểu hành tinh đó đã thực sự va chạm với Trái Đất. Đó là tiểu hành tinh 2019 MO đã phát nổ ở bờ biển phía Nam Puerto Rico và tiểu hành tinh 2018 LA đã lao xuống mặt đất ở khu vực biên giới Botswana và Nam Phi. May mắn thay, hai tiểu hành tinh này đều nhỏ và không gây ra bất cứ thiệt hại nào.

Theo NASA, họ đã tính toán quỹ đạo của tất cả các tiểu hành tinh từ giờ cho tới cuối thế kỷ, và may mắn rằng theo dữ liệu đó thì Trái Đất không phải đối mặt với bất cứ nguy cơ thảm họa nào trong 100 năm tới.

Dù sao, điều đó không đồng nghĩa rằng các nhà quan sát đã dừng lại. Mặc dù đa số các vật thể gần Trái Đất không có khả năng gây ra sự chấm dứt của nền văn minh chúng ta, vẫn có những va chạm trong lịch sử gần đây khiến chúng ta không để dừng cảnh giác.

Vào tháng 3 năm 2021, một thiên thạch có đường kính của một trái bowling đã phát nổ trên bầu trời Vermont (Mỹ) với sức mạnh tương đương với 200 kg thuốc nổ TNT. Nhưng cái đó còn chưa đáng kể so với sự kiện năm 2013 ở Chelyabinsk (Nga) khi một thiên thạch phát nổ và giải phóng ra một năng lượng tương đương với khoảng 400 tới 500 nghìn tấn TNT, tức là khoảng 26 cho tới 33 lần năng lượng của quả bom nguyên tử từng được thả xuống Hiroshima. Những quả cầu lửa dội xuống thành phố và những vùng lân cận, làm hư hại các tòa nhà, phá vỡ kính cửa sổ và làm bị thương khoảng 1.200 người.

Vào tháng 11 năm 2021, NASA đã phoáng một tàu không gian làm chệch hướng tiểu hành tinh có tên là DART (viết tắt của Double Asteroid Redirection Test/Thử nghiệm kép về việc chuyển hướng tiểu hành tinh) để nó lao thẳng vào tiểu hành tinh Dimorphos có đường kính 160 mét trong mùa thu năm nay (2022). Vụ va chạm sẽ không phá hủy tiểu hành tinh mà sẽ làm thay đổi đường đi của nó một chút. Sứ mệnh này sẽ hỗ trợ việc kiểm tra khả năng làm chệch hướng tiểu hành tinh để sẵn sàng cho những đe dọa trong tương lai đối với hành tinh chúng ta. Gần đây, Trung Quốc cho biết họ cũng đang chuẩn bị làm lệch hướng tiểu hành tinh Bennu bằng cách bắn phá nó bởi các tên lửa 23 Long March 5.

Bryan
Theo Live Science