James Webb telescope

Người đứng đầu của NASA là Bill Nelson cho biết cơ quan này sẽ tiết lộ “hình ảnh vũ trụ xa nhất từng được chụp” vào ngày 12 tháng 7, nhờ có Kính thiên văn Không gian James Webb mới hoạt động.

“Thử nghĩ về nó xem, nó sẽ còn xa hơn những gì mà nhân loại từng nhìn thấy trước kia”, Nelson nói trong một cuộc họp báo tại Viện Khoa học Kính thiên văn Không gian (STSI /Space Telescope Science Institute) ở Baltimore, nơi điều phối hoạt động cho chiếc kính thiên văn 10 tỷ USD này. Chiếc kính được phóng vào tháng 12 năm ngoái và hiện nay đang quay quanh Mặt Trời, cách xa Trái Đất 1,5 triệu km.

Webb là một điều kỳ diệu của kỹ thuật. Nó có thể nhìn vào vũ trụ xa hơn bất kỳ kính thiên văn nào trước đây, nhờ có tấm gương sơ cấp khổng lồ và những thiết bị được thiết kế để quan sát dải sóng hồng ngoại, cho phép nó nhìn xuyên qua bụi và khí.

“Nó sẽ khám phá các vật thể ở trong Hệ Mặt Trời và bầu khí quyển của các ngoại hành tinh quanh những ngôi sao khác, cho chúng ta manh mối về việc liệu khí quyển ở đó có giống với khí quyển của chúng ta hay không”, Nelson nói qua điện thoại trong khi cách ly vì COVID.

“Nó có thể trả lời được một vài câu hỏi của chúng ta: Chúng ta đến từ đâu? Có gì bên ngoài kia? Chúng ta là ai? Và tất nhiên, nó sẽ có câu trả lời cho những câu hỏi mà chúng ta thậm chí còn chẳng biết.”

Khả năng quan sát hồng ngoại của Webb đủ mạnh để có thể nhìn đến gần hơn thời điểm Big Bang cách đây 13,8 tỷ năm.

Vì vũ trụ đang giãn nở, ánh sáng từ những ngôi sao đầu tiên chuyển từ bước sóng tử ngoại và bước sóng khả kiến mà nó phát ra, trở thành bước sóng hồng ngoại dài hơn - thứ mà Webb được trang bị để tìm thấy ở độ phân giải chưa từng có.

Hiện nay, những quan sát đã có về thời điểm sớm nhất của vũ trụ là khoảng 330 triệu năm sau Big Bang, nhưng với khả năng của Webb, các nhà thiên văn học tin rằng họ có thể dễ dàng phá kỷ lục này.

 

Tuổi thọ 20 năm

Thêm một tin vui nữa, phó giám đốc NASA Pam Melroy tiết lộ rằng, nhờ vào cuộc phóng tốt đẹp bởi đối tác Arianespace của NASA, kính thiên văn này có thể hoạt động trong 20 năm, gấp đôi tuổi thọ dự kiến ban đầu.

“20 năm đó, chúng ta không chỉ được đi sâu hơn vào lịch sử và thời gian, mà chúng ta có thể tiến xa hơn trong khoa học nhờ những cơ hội để học hỏi và phát triển và thực hiện những quan sát mới”, bà nói.

NASA cũng dự định sẽ chia sẻ hình ảnh quang phổ đầu tiên của Webb về một hành tinh xa xôi, là một ngoại hành tinh, vào ngày 12 tháng 7, nhà khoa học hàng đầu của NASA Thomas Zurbuchen nói.

Quang phổ là công cụ để phân tích các thành phần hoá học và các phân tử của các vật thể ở xa và quang phổ hành tinh có thể giúp mô tả đặc điểm của bầu khí quyển và những tính chất khác, ví dụ như liệu nó có nước hay không hay là bề mặt của nó như thế nào.

“Ngay từ ban đầu, chúng ta sẽ nhìn vào những thế giới ngoài kia, điều mà đã khiến chúng ta thao thức mỗi khi nhìn lên bầu trời đầy sao và tự hỏi liệu rằng có sự sống ở nơi khác không?”, Zurbuchen nói.

Nestor Espinoza, nhà thiên văn học ở STSI, nói với AFP rằng những phép quang phổ ngoại hành tinh trước đây được thực hiện bằng những thiết bị có nhiều hạn chế hơn so với những gì Webb có thể làm được.

“Nó giống như là một căn phòng rất tối và bạn chỉ có thể nhìn vào qua một lỗ kim nhỏ”, ông nói về công nghệ hiện nay. Bây giờ, với Webb "bạn đã có thể mở toang cửa sổ lớn và quan sát từng chi tiết nhỏ một.”

Vũ Dũng
Theo Phys.org