Sau 3 năm tạm ngừng hoạt động, máy gia tốc hạt mạnh nhất thế giới đã hoạt động trở lại và lập tức lập nên một kỷ lục mới.
LHC (viết tắt của "Large Hadron Collider") do Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (viết tắt là CERN) điều hành là máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới với đường hầm chạy vòng tròn kéo dài 27 kilomet nằm trong lòng đất phía dưới khu vực biên giới Pháp - Thụy Sĩ. Theo CERN cho biết, LHC sử dụng các nam châm trong đường hầm này để gia tốc các proton và ion, cho chúng va chạm với nhau ở vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, qua đó giúp các nhà khoa học có thêm thông tin về vật lý hạt - bao gồm cả nguồn gốc của khối lượng, vật chất tối và phản vật chất.
Tuy nhiên, trong ba năm vừa qua, LHC đã được đóng cửa để bảo trì và sửa chữa.
Giám đốc phụ trách máy gia tốc và công nghệ của CERN là Mike Lamont cho biết trong một tuyên bố chính thức rằng "Các máy móc và cơ sở vật chất đã trải qua quá trình nâng cấp lớn trong lần thứ hai tạm ngừng của tổ hợp gia tốc của CERN. Bản thân LHC đã được nâng cấp và đồng bộ để giờ đây sẽ hoạt động ở năng lượng cao hơn nữa nhờ sử cải tiến lớn trong hệ thống bắn hạt. Nó sẽ mang lại thêm nhiều dữ liệu đáng chú ý hơn cho những thí nghiệm được nâng cấp của LHC."
Giờ đây, các dòng proton đã lại được bắn cho chạy quanh LHC từ hôm 22 tháng 4 và quá trình nâng cấp máy gia tốc này đã mang lại kết quả.
Chỉ 3 ngày từ sau khi được mở trở lại, hai dòng proton đã được gia tốc tới mức năng lượng 6,8 nghìn tỷ electronvolt (6,8 TeV) mỗi dòng. Đây là một kỷ lục hoàn toàn mới, vì kỷ lục cũ do LHC đạt được là 6,5 TeV vào năm 2015.
Lần chạy thử nghiệm này là để khởi đầu cho đợt chạy thứ ba của LHC: LHC Run 3. Theo CERN, các nhà khoa học đang sẵn sàng để một lần nữa phá kỷ lục với việc nâng mức năng lượng lên tới 13,6 TeV. Cùng với việc các hạt va chạm ở năng lượng cao hơn, các nhà khoa học sẽ thu thập dữ liệu được từ nhiều vụ va chạm hơn hẳn trước đây. Một trong số thí nghiệm được thiết kế để nghiên cứu các va chạm của ion nặng, được gọi là thí nghiệm ALICE (A Large Ion Collider Experiment: Một thí nghiệm lớn về va chạm ion). Nhờ những nâng cấp mới nhất, thí nghiệm này được kỳ vọng rằng sẽ cho phép ghi nhận được số lượng va chạm ion nhiều gấp 50 lần trước đây.
Theo kế hoạch, LHC Run 3 được dự tính sẽ kết thúc sau 3 năm nữa, tức là năm 2025, sau đó nó sẽ lại được đóng cửa từ năm 2026 tới năm 2030.
Bryan
Theo Livescience