Sirius

Có thể bạn biết rằng Sirius là sao sáng nhất trên bầu trời đêm. Nhưng liệu Sirius có phải là sao có độ chói (tức chỉ công suất phát xạ của sao) lớn nhất hay không? Câu trả lời là không. Đối với các nhà thiên văn, từ “độ chói” (hay còn gọi là “độ trưng”) dùng để chỉ độ sáng thực sự hay cấp sáng tuyệt đối của một ngôi sao. Nói một cách đơn giản hơn, nếu tất cả các sao đều nằm cách Trái Đất một khoảng như nhau thì liệu Sirius có còn là sao sáng nhất nữa hay không? Chắc chắn là không rồi.

Hãy cùng xem xét 25 sao sáng nhất (không tính Mặt Trời) khi nhìn từ Trái Đất. Sirius được xem là sao sáng nhất nếu xét về cấp sáng biểu kiến - độ sáng của ngôi sao khi được quan sát từ Trái Đất. Nhưng nếu bạn lấy chính xác 25 ngôi sao sáng nhất này và xếp hạng chúng theo cấp sáng tuyệt đối, hoặc tưởng tượng chúng cách Trái Đất với một khoảng như nhau thì thứ hạng về độ sáng của Sirius sẽ giảm từ hạng 1 xuống hạng 21.

 

Tham khảo thêm: Danh sách 20 ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm.

 

Sao sáng nhất khi nhìn từ Trái Đất

Sirius, nằm trong chòm sao Canis Major (Chó Lớn), trông có vẻ cực kỳ sáng trên bầu trời Trái Đất. Nó được xem là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời của chúng ta (không tính ngôi sao ban ngày là Mặt Trời). Nhưng thực tế, chúng ta thấy Sirius sáng như vậy chủ yếu là do vị trí của nó ở gần chúng ta khi mà nó chỉ cách chúng ta 8,6 năm ánh sáng.

Bất kể bạn ở nơi nào trên Trái Đất, chỉ cần nhìn theo hướng chỉ của ba ngôi sao có độ sáng trung bình nằm trong thắt lưng của Orion thì bạn có thể tìm được vị trí của Sirius.

 

Màu sắc của Sirius

Nhiều người cho rằng họ thấy Sirius nhấp nháy nhiều màu. Điều này xảy ra khi ngôi sao này nằm ở vị trí thấp trên bầu trời. Những màu sắc mà bạn thấy cũng chỉ là dải màu cầu vồng quen thuộc được tán sắc từ ánh sáng trắng; tất cả ánh sáng trắng do ngôi sao phát ra đều được tạo thành từ hỗn hợp màu này. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy màu sắc lấp lánh của Sirius dễ dàng hơn là do Sirius sáng hơn rất nhiều so với hầu hết các sao khác.

Lớp dày thêm của bầu khí quyển Trái Đất nằm ở gần đường chân trời hoạt động giống như một thấu kính hoặc lăng kính, chùm ánh sáng trắng khi đi qua đó sẽ bị tán sắc thành dải màu cầu vồng và khiến ngôi sao lấp lánh. Khi bạn nhìn thấy Sirius ở vị trí thấp trên bầu trời, tức là bạn đang nhìn nó qua bầu khí quyển nhiều hơn so với khi nó ở trên cao.

Nếu để ý thì bạn sẽ thấy Sirius trông có vẻ ít lấp lánh hơn và ít màu sắc hơn (hoàn toàn là màu trắng) khi nó nằm ở vị trí cao hơn trên bầu trời.

 

Các sao sáng hơn Sirius nhiều lần

Các nhà khoa học cho rằng có ít nhất ba ngôi sao nằm trong chòm sao Canis Major, nơi chứa Sirius, sáng hơn Sirius gấp hàng nghìn lần là: Aludra, Wezen và Omicron 2. Mặc dù không biết được chính xác những ngôi sao này nằm cách chúng ta bao xa nhưng Aludra và Omicron 2 được ước tính là cách chúng ta khoảng 3.000 năm ánh sáng và Wezen là khoảng 2.000 năm ánh sáng. Điều đó trái ngược với khoảng cách từ Sirius tới Trái Đất khi mà khoảng cách này chỉ là 8,6 năm ánh sáng.

Khi các nhà khoa học so sánh các ngôi sao về phương diện cấp sáng tuyệt đối thì họ tưởng tượng rằng tất cả chúng đều nằm cách Trái Đất 32,6 năm ánh sáng. Ở khoảng cách như vậy, Mặt Trời của chúng ta hầu như chỉ nhìn thấy dưới dạng một đốm sáng. Trái ngược hoàn toàn với điều này khi mà Aludra, Wezen và Omicron 2 sẽ có độ sáng lớn hơn Sirius khoảng 100 tới 200 lần. Và Sirius sẽ có cùng độ sáng với sao Castor nằm trong chòm sao Gemini. Hãy tưởng tượng khi đó Canis Major sẽ trông khác biệt như thế nào!

 

Sirius trên bầu trời đêm, do Matt Schulze chụp ở Santa Fe, New Mexico.

 

Kết luận: Sirius là sao sáng nhất trên bầu trời Trái Đất vì nó ở rất gần chúng ta. Sirius cực kỳ sáng tới nỗi bạn có thể nhìn thấy những tia sáng có màu sắc khác nhau phát ra từ nó.

Hồng Anh
Theo Earthsky.org