Lỗ đen ở trung tâm của thiên hà lùn này đang khởi động quá trình tạo sao thay vì dập tắt nó. Hóa ra, lỗ đen không phải luôn là quái vật.
Thông thường, các lỗ đen khổng lồ ẩn mình ở trung tâm các thiên hà được biết tới là những thứ dập tắt quá trình tạo sao xung quanh chúng, tức là chúng khiến cho chính khu vực lân cận trong thiên hà mất dần khả năng tạo ra các sao mới. Nhưng lỗ đen ở trung tâm của thiên hà lùn Henize 2-10 thì ngược lại: nó bơm khí cho những vườn ươm sao lân cận. Nghiên cứu này đã được công bố hôm 19 tháng 1 vừa qua trên Nature.
Trong thông cáo báo chí về phát hiện này, nhà nghiên cứu chính là Amy Reines cho biết: "Ngay từ đầu tôi đã biết có gì đó bất thường và đặc biệt xảy ra ở Heniza 2-10. Và giờ đây Hubble đã mang lại một hình ảnh rất rõ ràng về mối liên hệ giữa lỗ đen này và một vùng tạo sao khá gàn, chỉ cách nó 230 năm ánh sáng".
Lỗ đen ở thiên hà Heniza 2-10 đang thổi ra khí mới với vận tốc lên tới 1,6 triệu km/h, kích hoạt sự ra đời của các sao mới trong khu vực lân cận. Việc đó xảy ra như thế nào vẫn còn chưa thực sự chắc chắn, khi mà thường thì những dòng vật chấy được ném ra từ các lỗ đen lớn sẽ làm các đám mây khí quanh đó nóng lên tới mức chúng không thể nguội trở lại đủ để tạo thành các ngôi sao.
Ngay cả trước khám phá này, Henize 2-10 đã nhận được sự chú ý của các nhà khoa học. Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã cố gắng hiểu thêm về cách mà các lỗ đen siêu nặng ở trung tâm các thiên hà (như Milky Way của chúng ta) đạt được tới kính thước khổng lồ như thế. Với số lượng sao chỉ bằng khoảng một phần mười của Milky Way, Henize 2-10 đã làm nổ ra cuộc tranh luận từ 1 thập kỷ trước giữa các nhà thiên văn học về việc liệu rằng các thiên hà lùn nhỏ hơn thì có phải lỗ đen siêu nặng của chúng cũng nhỏ tương ứng với kích thước của chúng hay không.
R.T
Theo Astronomy