Asteroid attack

NASA và các cơ quan không gian khác đã nghiên cứu khả năng này và dự báo về các thiên thể gần Trái Đất trong nhiều năm qua. Những nỗ lực của họ đã giúp cung cấp thông tin cho bộ phim mới 'Don't look up!'.

Trái ngược với những gì bạn có thể đã đọc được, Trái Đất sẽ không bị tàn phá bởi tiểu hành tinh Apophis vào ngày 13 tháng 4 năm 2029; hay bị tấn công bởi Bennu, một tảng đá không gian rộng 0,5 km vào ngày 24 tháng 9 năm 2182. Mỗi một câu chuyện đáng sợ ngoài kia cảnh báo về một vụ va chạm thiên thể sắp xảy ra chỉ đơn giản là một câu chuyện đáng sợ, nhưng đồng thời cũng lại là điều tất yếu. Và khi nó xảy ra, sự kiện có thể tạo ra những trận bão lửa, sóng thần và đại tuyệt chủng.

Đó gọi là nghịch lý tiểu hành tinh, Amy Mainzer, một chuyên gia về Bảo vệ hành tinh tại Phòng thí nghiệm Hành tinh và Mặt Trăng của đại học Arizona, giải thích: Tỷ lệ xảy ra một tác động lớn trong một năm bất kỳ là rất nhỏ, nhưng hậu quả tiềm ẩn là rất lớn. Những mối đe dọa càng xa, tác động càng nhỏ thì khả năng xảy ra càng cao và càng khó dự đoán. Tất cả những biến số đó khiến cho các nhà khoa học như Mainzer khó có thể đánh giá hết rủi ro từ các tiểu hành tinh để sau đó thông báo đến công chúng. Bà nói: “Bạn không cần phải chạy ngay ra ngoài và mua bảo hiểm rủi ro tiểu hành tinh. Nhưng bạn cũng không thể hoàn toàn bỏ qua nó".

Gần đây, Mainzer đã cân nhắc rất nhiều về những vấn đề này trong vai trò cố vấn khoa học cho Don’t look up!, một bộ phim mới của đạo diễn Adam McKay (người từng đạo diễn cho Vice, The Big Short, Anchor Man). Đây là một bộ phim châm biếm đen (dark satire) miêu tả một phản ứng hỗn loạn, hoang mang trên toàn cầu trước tin tức về một sao chổi đang trên đường va chạm với hành tinh của chúng ta. (Sao chổi và tiểu hành tinh gây ra những mối nguy hiểm tương tự, nhưng các nhà làm phim đã chọn một sao chổi cho tăng phần kịch tính).

McKay quan niệm Don't look up! như một phép ẩn dụ về biến đổi khí hậu, nhưng nó cũng mô tả theo nghĩa đen các vấn đề về việc phát hiện mối đe dọa tiểu hành tinh mà Mainzer đã dành cả sự nghiệp của mình để cố gắng giải quyết. Mainzer nói: “Điều đầu tiên tôi muốn nói với mọi người là, chúng ta không biết về bất cứ điều gì sẽ xảy ra trên đường va chạm. Đây là một bộ phim khoa học viễn tưởng”.

Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (NEO) tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, sử dụng phần mềm mô phỏng quỹ đạo có tên Sentry II để đánh giá mức độ nguy hiểm do bất kỳ tiểu hành tinh mới nào gây ra. Trong vòng chưa đầy một giờ, nó có thể tính toán tỷ lệ tác động chính xác tới 1 phần 10 triệu của một vật thể trong vòng một trăm năm tới. Cơ sở dữ liệu kết quả có thể truy cập công khai và bạn có thể tự mình thấy rằng, không có vật thể lớn nào có xác suất đáng kể để rơi trúng đầu chúng ta ít nhất là trong thời gian một đời người.

Tuy nhiên, vì các khảo sát về tiểu hành tinh hiện tại vẫn chưa hoàn thiện, sự yên tâm đó đi kèm với một cảnh báo quan trọng. Mainzer đã và đang làm việc để khắc phục điều đó với tư cách là điều tra viên chính trên NEOWISE, một kính thiên văn không gian hồng ngoại của NASA, hiện đang quét toàn bộ bầu trời để phát hiện các loại đá không gian chưa từng được biết đến trước đây. Trong nhiều năm, những người săn lùng tiểu hành tinh đã chuẩn bị cho một thiết bị kế nhiệm hiện đại hơn để hoàn thành công việc này. Tháng 6 vừa qua, NASA đã chính thức đặt nhiệm vụ đó vào NEO Surveyor, với Mainzer đảm nhận vai trò khảo sát trưởng. Bà nói: “Ngày 26 tháng 3 năm 2026 sẽ là ngày dự kiến phóng của chúng tôi”.

Vào giữa những năm 2030, NEO Surveyor có lẽ sẽ tìm thấy 90% tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy cơ có đường kính hơn 140 mét; các nhà thiên văn học tập trung vào giới hạn kích thước đó bởi vì những vật thể như vậy đủ nhỏ để bị bỏ sót trong các cuộc khảo sát hiện tại nhưng đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể cho khu vực mà chúng rơi xuống. Đối với các tiểu hành tinh thậm chí còn lớn hơn, có khả năng gây ra sự hủy diệt trên toàn cầu, phạm vi tìm kiếm cần đạt tới 100%. Dữ liệu của tất cả các tiểu hành tinh mới tìm thấy sau đó sẽ được đưa vào phần mềm Sentry II, và chúng ta sẽ có một cơ sở dữ liệu gần như hoàn chỉnh về mọi vật thể đủ lớn có khả năng đe dọa hành tinh của chúng ta trong thế kỷ tới. Đó sẽ là một bước tiến vượt bậc so với những gì chúng ta hiện đang có.

 

Mô phỏng va chạm

Các nhà khoa học ngày nay đang gặp phải nghịch lý tiểu hành tinh của chính họ. Không có công thức khách quan nào cho thấy mức độ rủi ro cần hành động, cũng như hành động nào là thích hợp. Một phần quan trọng của việc giải quyết nghịch lý là quá trình phân tích phức tạp và chẳng có gì hấp dẫn: Nếu khảo sát NEO hoặc một trong những cuộc khảo sát khác phát hiện ra một vật thể nguy hiểm tiềm tàng, các nhà khoa học cần thu thập rất nhiều dữ liệu để tìm ra chính xác kích thước và mức độ nguy hiểm của đối tượng. Và họ cần thực hiện công việc này càng nhanh càng tốt.

Để hoàn thiện quá trình đó, NASA đã tài trợ một loạt các mô phỏng bảo vệ hành tinh, trong đó các nhà khoa học giả định rằng họ đã phát hiện ra một tiểu hành tinh mới đang đe dọa Trái Đất. Một cuộc diễn tập năm 2021, được lên kế hoạch vào mùa xuân năm ngoái bởi Vishnu Reddy tại đại học Arizona, đã mô phỏng rằng, một tiểu hành tinh tương tự như Apophis thực sự đang trên đường va chạm với chúng ta, và sau đó phải khiến những người tham gia cố gắng hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Mô phỏng lên đến đỉnh điểm với một tác động chết người ở Cộng hòa Séc, và đủ đáng sợ khi website liên quan và các thông cáo báo chí phải dán đầy những chú thích "DIỄN TẬP" và "GIẢ ĐỊNH".

Mọi người tập trung vào các nhân vật anh hùng theo phong cách Armageddon khi gửi một sứ mệnh thổi bay tiểu hành tinh thành từng mảnh nhỏ, nhưng Mainzer nói: “Nếu bạn không có các công cụ phân tích, tất cả chỉ là nói suông. Bạn đang xem xét một tình huống mà điều duy nhất bạn có thể làm là di chuyển mọi người ra khỏi phạm vi nguy hiểm? Hay bạn có đủ linh hoạt để giảm thiểu rủi ro không?”.

Làm chệch hướng tiểu hành tinh theo lịch trình

May mắn thay, các cơ quan không gian trên thế giới đang đẩy mạnh nỗ lực của họ để tìm hiểu cách làm chệch hướng một tiểu hành tinh nguy hiểm. Năm tới, tàu không gian DART của NASA sẽ đâm thẳng vào một tiểu hành tinh dài 160 mét có tên là Dimorphos, thử nghiệm đầu tiên về sự chệch lướng của tiểu hành tinh. Khoảng bốn năm sau nữa, tàu Hera của ESA sẽ bay ngang qua để thực hiện một nghiên cứu chi tiết về ảnh hưởng của DART đối với Dimorphos. Các nhiệm vụ chung sẽ cải thiện đáng kể kiến thức của chúng ta về việc bên trong các tiểu hành tinh trông như thế nào và sẽ cần những gì để làm chệch hướng một tiểu hành tinh nguy hiểm đang trên đường tấn công Trái Đất.

Nhưng ngay cả khi có được những kiến thức đó, bản thân rủi ro vẫn là một khái niệm khó nắm bắt, một khái niệm thường có ý nghĩa hoàn toàn khác đối với các nhà khoa học so với công chúng. Trong thế giới thực, liệu công chúng có tin tưởng các khuyến nghị của các nhà khoa học để hành động chống lại một tiểu hành tinh nguy hiểm, ngay cả khi rủi ro được tính toán là thấp nhưng chi phí cho một sứ mệnh chệch hướng lại lên tới hàng tỷ đô la? Mainzer lo lắng về những trở ngại do biệt ngữ khoa học tạo ra; trong bộ phim của mình, McKay chỉ ra nhiều người bác bỏ phân tích của chuyên gia về đại dịch và biến đổi khí hậu, ngay cả khi đối mặt với những sự kiện đang diễn ra xung quanh.

Mặt khác, các bảng tin và diễn đàn trực tuyến như Quora chứa đầy câu hỏi từ những người nghi ngờ việc các nhà khoa học sẽ tiết lộ thông tin khi họ tìm thấy một vật thể đe dọa Trái Đất. Mainzer cười một cách buồn bã, bà nói: “Hầu hết các nhà khoa học mà tôi từng gặp, khiến họ ngừng nói mới là điều khó nhất. Vấn đề là các nhà khoa học nói với chúng ta những điều mà chúng ta có thể không muốn nghe. Nhưng chúng ta cần phải nghe họ”.

Minh Phương
Theo Astronomy