meteors-eclipse

Mưa sao băng Leonids sẽ đạt cực điểm vào rạng sáng 17 tháng 11 này. Thật tiếc, bạn sẽ khó quan sát được nhiều sao băng của nó bởi sự can thiệp của ánh Trăng. Đừng vội thất vọng, chỉ hai ngày sau đó, bạn sẽ có cơ hội theo dõi nguyệt thực một phần.

 

Mưa sao băng Leonids

Leonids là một trận mưa sao băng diễn ra hàng năm vào tháng 11 và đạt cực điểm vào khoảng 17 hoặc 18 tháng này. Nó có nguồn gốc từ những mảnh vụn do sao chổi 55P Tempel-Tuttle để lại trên quỹ đạo của mình khi nó cắt qua quỹ đạo Trái Đất.

Đây từng là trận mưa sao băng lớn và thậm chí từng có những lần số lượng sao băng được ghi nhận nhiều tới mức các nhà quan sát gọi những lần đó là "bão sao băng". Trong những năm gần đây thì Leonids chỉ là một mưa sao băng loại trung bình với số lượng sao băng vào lúc cực điểm chỉ khoảng 20 tới 30 mỗi giờ. Nhưng nó vẫn thu hút được sự chú ý của nhiều người yêu thích các hiện tượng thiên văn.

Năm nay, cực điểm của Leonids sẽ diễn ra vào khoảng rạng sáng 17 tháng 11. Đây là thời điểm gần với đêm Trăng tròn. Ánh sáng từ Mặt Trăng sẽ cản trở rõ rệt việc quan sát của bạn. Tại những khu vực có mức độ ô nhiễm cao - nhất là các đô thị lớn, bạn sẽ chỉ thấy được một số ít sao băng của hiện tượng này nếu như thời tiết lý tưởng (không mưa, không mây). Ở những khu vực ít ô nhiễm ánh sáng và có góc nhìn rộng hơn (ngoại thành, nông thôn, bờ biển, ...), nếu thời tiết lý tưởng, bạn vẫn có thể quan sát được từ 10 tới 20 sao băng mỗi giờ vào đêm cực điểm.

Khoảng 2h đêm hoặc muộn hơn, sáng 17/11, hãy nhìn về bầu trời phía Đông và tìm chòm sao Leo (Sư Tử). Nó có hình dạng như bạn có thể thấy dưới đây, với ngôi sao sáng nhất và khá dễ nhận ra là Regulus. Đây là nơi tập trung hầu hết các sao băng của trận mưa sao băng này. (Nhưng hãy lưu ý rằng nếu như sau vài phút mà bạn không thể tìm thấy chính chòm sao này, thì có nghĩa là trời quá nhiều mây hoặc nơi bạn đứng quá ô nhiễm, khi đó đừng nên phí thời gian để tìm kiếm các sao băng làm gì).

 

Nguyệt thực một phần

Chiều tối 19/11, ở những nơi trời ít mây và có góc nhìn rộng về phía Đông, bạn sẽ quan sát được một hiện tượng thú vị khác: nguyệt thực một phần. Phần đĩa sáng của Mặt Trăng bị che khuất bởi chính bóng tối của Trái Đất sẽ tối đi rõ rệt và chuyển sang màu đỏ thẫm.

Đây là lần thứ hai trong năm nay, người quan sát ở Việt Nam có thể thấy hiện tượng nguyệt thực. Tuy vậy, khác với lần đã diễn ra vào ngày 26 tháng 5, nguyệt thực lần này có độ che phủ thấp hơn nhiều và bạn cũng chỉ có một khoảng thời gian ngắn để theo dõi nó.

Trong bản đồ dưới đây của EclipseWise.com, bạn có thể thấy được các khu vực có thể hoặc không thể thấy hiện tượng này.

Việt Nam nằm trong khu vực mà phần lớn hiện tượng diễn ra vào thời điểm Mặt Trăng còn chưa mọc lên, có nghĩa là vào lúc đó người ở Việt Nam không thể theo dõi hiện tượng.

Tại Hà Nội, Mặt Trăng sẽ mọc vào lúc 17h14. Như vậy, người quan sát ở khu vực này và các vùng lân cận sẽ có khoảng 30 phút để theo dõi giai đoạn cuối của nguyệt thực toàn phần trước khi nó chuyển sang giai đoạn nguyệt thực nửa tối (khác biệt không đáng kể so với Trăng tròn thông thường) vào lúc 17h47. Độ che phủ cực đại tại Hà Nội là 0,382 (tức là 38,2% đĩa sáng của Mặt Trăng nằm trong vùng bóng tối hoàn toàn của Trái Đất).

Tại TP. Hồ Chí Minh, 17h26 Mặt Trăng mới mọc và nó ở rất gần chân trời vào thời điểm đó. Do đó người dân tại đây cũng như ở khu vực phía Nam nói chung sẽ gần như không quan sát được hiện tượng này, trừ khi có góc nhìn thấp tới sát chân trời phía Đông. Độ che phủ cực đại ở khu vực này chỉ là 0,192 (19,2% đĩa sáng Mặt Trăng nằm trong vùng bóng tối.)

(Các khu vực khác có thể được suy ra từ 2 thành phố nêu trên. Càng đi lên phía Bắc thì khoảng thời gian quan sát được càng dài và độ che phủ càng lớn.)

Sau pha một phần, nguyệt thực sẽ chuyển sang pha nửa tối vào lúc 17h47 và kết thúc vào lúc 19h03. Người quan sát ở Việt Nam có thể quan sát trọn vẹn pha này. Tuy nhiên, ở pha nửa tối, Mặt Trăng có sự khác biệt không đáng kể với Trăng tròn thông thường, nhất là với những nơi ô nhiễm ánh sáng (Mặt Trăng chỉ tối hơn một chút và hơi có màu đỏ rất nhạt ở pha này).

Mặc dù khoảng thời gian có thể quan sát và độ che phủ của hiện tượng lần này không cao đối với người quan sát ở Việt Nam, đây vẫn là một hiện tượng đáng chú ý nếu như bạn có một góc nhìn đủ rộng và điều kiện thời tiết lý tưởng. Bạn không cần bất cứ dụng cụ bảo vệ mắt nào khi quan sát nguyệt thực. Tuy nhiên, hình ảnh bạn thấy được sẽ tuyệt hơn nhiều nếu có một chiếc kính thiên văn nhỏ hoặc ống nhòm.

VACA