Một vấn đề tôi thường quan sát thấy, cũng như đôi khi trực tiếp nhận câu hỏi, liên quan tới 24 tiết khí mà chúng ta sử dụng trong văn hóa phương Đông là việc xác định xem chúng thuộc về Âm lịch hay Dương lịch, và tại sao các ngày phân và chí lại có sự trùng nhau rõ ràng giữa Dương lịch vốn có nguồn gốc phương Tây với điểm khởi đầu 4 tiết khí tương ứng ở phương Đông.
Vì rất nhiều người hiểu sai về những khái niệm này cả về mặt lịch sử cũng như cơ sở thiên văn, tôi xin được giải thích rõ một số ý như sau.
24 tiết khí không thuộc về Âm lịch cũng như Dương lịch
Đa số người Việt Nam mặc nhiên các tiết khí là Âm lịch. Điều này là sai. Âm lịch dựa trên chu kỳ tuần Trăng, cứ 12 tuần Trăng (12 tháng Âm lịch) thì là một năm. Tuy nhiên, chu kỳ thời tiết thì phụ thuộc chủ yếu vào quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời - vì Mặt Trời là nguồn nhiệt chính cung cấp cho Trái Đất, còn Mặt Trăng thì không liên quan gì cả. Nhưng chu kỳ quỹ đạo của Trái Đất thì dài hơn tổng độ dài của 12 tuần Trăng khoảng 10 ngày. Chính vì vậy, sau này người phương Đông (nói chính xác hơn thì là người Trung Quốc) thêm vào tháng nhuận, là tháng thứ 13 trong năm Âm lịch. Thông thường, cứ 3 năm thì có 1 năm có tháng này, và như vậy thì Âm lịch sẽ đuổi kịp chu kỳ thời tiết.
Vì sự lệch nêu trên, Âm lịch vốn không phản ánh được chu kỳ thời tiết. Nhưng vì không nắm rõ điều này, nên nhiều người thường áp dụng một cách máy móc những kinh nghiệm dân gian vốn dĩ chỉ mang tính tương đối để dự đoán thời tiết. Chẳng hạn: "tháng 7 mưa ngâu" là một kinh nghiệm có tính tương đối. Tháng 7 Âm lịch không phải một khoảng thời gian chính xác, mà bị dao động với biên độ mỗi năm từ 10 tới 20 ngày khi so sánh tháng 7 của 2 năm liên tiếp nhau. Ở miền Bắc cũng như nhiều khu vực khác của Việt Nam, khoảng thời gian mùa thu thường có những trận mưa không lớn nhưng kéo dài, thường xuyên, được gọi là mưa ngâu theo kiểu gọi dân gian. Không có bất cứ cơ sở nào để khẳng định nó chỉ diễn ra vào tháng 7 Âm lịch, hay thậm chí nhất quyết phải trong một phạm vi thời gian cụ thể là nửa tháng hay một tháng nào đó. Như vậy, những kinh nghiệm dạng này chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị dự báo thời tiết.
Trong khi đó, lịch 24 tiết khí không hề phụ thuộc vào Âm lịch, mà chỉ phụ thuộc vào chu kỳ thời tiết. 24 tiết khí là 24 khoảng thời gian, mỗi khoảng dài 15 hoặc 16 ngày, mô tả 24 giai đoạn thời tiết khác nhau trong năm. Vì chu kỳ này phụ thuốc vào vị trí của Trái Đất trên quỹ đạo, nên nó gần như trùng với Dương lịch. Đa số người Việt Nam ngày nay vẫn cứ tra cứu xem lập xuân năm tới là mùng mấy Tết, nhưng thực tế nó luôn là mùng 4 hoặc mùng 5 tháng Hai theo Dương lịch. Những tiết khác cũng như vậy.
Thời điểm bắt đầu các tiết khí (chính xác là 12 tiết khí và 12 trung khí) tính theo ngày Dương lịch.
Tuy nhiên, nếu nói 24 tiết khí thuộc về Dương lịch thì cũng là sai. Khi nói một hệ thống qui ước thuộc về loại lịch nào là chúng ta nói về lịch sử. Dương lịch ngày nay, chính xác đươc gọi là lịch Gregory do Giáo Hoàng Gregory XIII ban hành vào cuối thế kỷ 16, cải biên đôi chút từ Dương lịch trước đó của Julius Caesar (lịch Julius) - Tất nhiên, các mốc thời gian trong lịch ra sao thì là do các nhà thiên văn quan sát và hệ thống lại, chứ cả Caesar lẫn Giáo hoàng đều không phải nhà thiên văn để tự làm được điều đó.
24 tiết khí là do người Trung Quốc lập qui ước, do đó nó không thuộc về Dương lịch (Cần lưu ý rằng các tiết khí có tên gọi dựa trên khí hậu của Trung Quốc, chẳng hạn như "Đại tuyết" thì chắc chắn không mô tả khí hậu ở Việt Nam rồi). Dù vậy, như đã nói, vì hai chu kỳ này khớp nhau nên nếu bạn muốn biết một tiết nào đó bắt đầu vào ngày nào hàng năm thì tốt nhất nên tra Dương lịch.)
Các ngày phân và chí
Xuân phân, thu phân, hạ chí và đông chí là bốn mốc thời gian rất cơ bản mà ngay cả học sinh cũng được học từ rất sớm. Mặc dù thường được coi là một ngày, nhưng thực tế thì không phải.
Trong lịch 24 tiết khí thì mỗi cái tên trên là tên của một tiết khí dài tới 15 ngày, và cái mà chúng ta gọi là ngày xuân phân ngày nay chỉ là ngày khởi đầu của tiết xuân phân (tương tự với những ngày còn lại). Trên thực tế, ngày nay lịch 24 tiết khí ít được sử dụng vì nó không thực sự cần thiết. Những cái tên phân và chí trên được sử dụng để gọi tên những ngày tương ứng trong Dương lịch.
Trong Dương lịch, nếu nói thật chính xác thì xuân phân là một điểm, không phải một ngày. Điểm xuân phân là một trong hai điểm giao nhau của hoàng đạo (đường đi biểu kiến của Mặt Trời trên bầu trời) và xích đạo trời (hình chiếu của xích đạo Trái Đất lên bầu trời) - nói dễ hiểu hơn, xích đạo Trái Đất và quỹ đạo của nó là 2 mặt phẳng lệch nhau ~23,5 độ, nên có 2 điểm giao như vậy trên bầu trời. Khi Mặt Trời đi qua giao điểm theo hướng tiến về phía Bắc thì đó là điểm xuân phân, còn về phía Nam thì là thu phân (đối với Bắc bán cầu, còn ở Nam bán cầu thì ngược lại). Khi Mặt Trời đi qua xích đạo trời, tức là nó nằm trên đúng mặt phẳng xích đạo Trái Đất, thì hai bán cầu có thời lượng được chiếu sáng như nhau, vì thế nên vào những ngày lân cận điểm này chúng ta thấy ngày và đêm dài gần đúng bằng nhau (chứ không phải nhất định chỉ tính 1 ngày, cách tính 1 ngày chỉ để cho tiện và dễ truyền tải thông tin cho học sinh mà thôi). Hai điểm phân này trong tiếng Anh gọi là equinox, xuất phát từ một thuật ngữ có cách phát âm gần giống như vậy trong tiếng Latin là aequinoctium, được ghép từ hai từ là aequus (bằng nhau, tương tự như equal) và noctis (đêm) - chính là để chỉ đặc điểm ngày đêm dài bằng nhau này.
Còn hai ngày chí, được gọi chung là soltice, có gốc Latin là sol (Mặt Trời) và sistere (dừng lại). Việc này hàm ý nói về vị trí của Mặt Trời. Hạ chí (với Bắc bán cầu) là khi Mặt Trời đi lên (biểu kiến) tới xích vĩ (declination/DEC) cao nhất ở phía Bắc và nó hãm lại để sau đó dịch chuyển dần xuống phía Nam. Ngược lại, đông chí là thời điểm Mặt Trời tới xích vĩ cao nhất về phía Nam và quay ngược trở lại.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng thời xa xưa thì liệu có sự giao lưu văn hóa nào để có sự trung hợp các ngày phân và chí này hay không. Câu trả lời là KHÔNG! Như vừa nêu trên, bạn có thể thấy rằng qui ước về phân và chí của hai hệ thống rất khác nhau, chẳng qua chúng ta đã dùng cái tên có sẵn để biến nó thành thuật ngữ tiếng Việt khi dịch tên các điểm phân và chí mà các nhà thiên văn phương Tây quan sát và đưa vào lịch. Sự trùng nhau chỉ đơn giản là các ngày phân và chí trong Dương lịch lại trùng với ngày khởi đầu các tiết đó trong Âm lịch. Việc trùng hợp này khá dễ hiểu: Mặt Trời đi qua xích đạo trời là một thời điểm đặc biệt mà các nhà thiên văn ở cả hai nền văn hóa cổ xưa đều đã ghi nhận lại. Nói cách khác, cả hai nền văn hóa đều đã quan sát được sự kiện Mặt Trời tới điểm xuân phân, và đặt qui ước cho nó cũng như áp dụng vào lịch.
Ở phương Tây, trước đây khi thiên văn học quan sát còn lẫn lộn với chiêm tinh học, các nhà chiêm tinh cũng dựa vào việc này để lập qui ước cho các cung Hoàng đạo. Bạn có thể để ý thấy rằng cung Aries luôn được viết đầu tiên trong danh sách, mặc dù các tài liệu chiêm tinh luôn nói rằng nó bắt đầu vào tháng 3 chứ không phải tháng 1. Chính xác thì chiêm tinh học lấy thời điểm bắt đầu đi vào cung Aries là xuân phân (21/3 hàng năm) để làm mốc và cứ thế tính tiếp. Tất nhiên, do hiện tượng tiến động của Trái Đất, ngày nay Mặt Trời tới vị trí của chòm sao Aries không phải là xuân phân nữa, nhưng các nhà chiêm tinh thì không thay đổi phương pháp tính của mình (cần lưu ý: Chiêm tinh học được xác nhận là "giả khoa học", không một cơ quan nghiên cứu nào trên thế giới từng coi chiêm tinh học là khoa học cả.)
Mùa bắt đầu vào lúc nào?
Ở phương Đông, chúng ta coi khởi điểm của tiết lập xuân (mùng 4 tháng 2 Dương lịch) là khi mùa xuân bắt đầu (tương tự như vậy có lập hạ, lập thu và lập đông). Ngày khởi đầu các tiết phân và chí (tức 4 ngày phân và chí trong Dương lịch) được coi là ngày giữa của các mùa.
Tuy vậy, ở văn hóa phương Tây, thì các ngày phân và chí này là những ngày bắt đầu các mùa.
Một số người từng trao đổi với tôi rằng cách qui ước của chúng ta hợp lý hơn, chẳng hạn như hạ chí là thời điểm Bắc bán cầu nhận được nhiều ánh sáng Mặt Trời nhất, nên về lý thuyết thì nó nóng nhất, nên đó cần được coi là giữa mùa hè. Tôi đoán rằng nhiều người đồng tình với quan điểm này.
Điều đáng nói ở đây là chúng ta đang áp đặt một tính chất chưa từng được coi là thuộc tính vật lý của các mùa vào để định nghĩa, dựa trên kinh nghiệm có tính địa phương của chúng ta. Không có định nghĩa chính thức nào nói rằng mùa hè nhất định là mùa nóng nhất và mùa đông nhất định phải là mùa lạnh nhất cả. Đó chỉ thuần túy là kinh nghiệm cục bộ mà thôi.
Việc các mốc tính mùa khác nhau hoàn toàn không ảnh hưởng gì trong thế giới hiện đại, vì chúng hoàn toàn chỉ có tính chất văn hóa. Không phải vì bạn gọi thời điểm này la mùa hè hay mùa thu thì có nghĩa là thời tiết và khí quyển phải biến đổi theo cách gọi đó. Trong khi đó, trong các công việc có tính hành chính, người ta không nhắc tới mùa mà chỉ quan tâm tới ngày, tháng và năm. Những qui ước đó của Dương lịch ngày nay đã phổ quát và không còn ai có thể hiểu nhầm cả.
Tháng 9 năm 2021
Đặng Vũ Tuấn Sơn
(Bài đã đăng ban đầu tại Facebook page cá nhân của tác giả.)
---