exoplanets

Mặc dù hàng nghìn hành tinh đã được phát hiện trong thiên hà Milky Way, nhưng hầu hết đều nằm cách Trái Đất chưa đầy vài nghìn năm ánh sáng. Tuy nhiên, thiên hà của chúng ta có đường kính hơn 100.000 năm ánh sáng, gây khó khăn cho việc điều tra sự phân bố của các hành tinh. Nhưng giờ đây, một nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách để vượt qua rào cản này.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Astrophysical Journal Letters, các nhà nghiên cứu do đại học Osaka và NASA đứng đầu đã sử dụng kết hợp các quan sát và mô hình để xác định xác suất phân bố hành tinh thay đổi như thế nào theo khoảng cách từ trung tâm thiên hà. Các quan sát dựa trên một hiện tượng gọi là vi thấu kính hấp dẫn, theo đó các vật thể như hành tinh hoạt động giống như một thấu kính, bẻ cong và phóng đại ánh sáng từ các ngôi sao ở xa. Hiệu ứng này có thể được sử dụng để phát hiện các hành tinh lạnh tương tự như Sao Mộc và Sao Hải Vương, từ đĩa trung tâm đến chỗ phình của thiên hà. Daisuke Suzuki, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Thấu kính hấp dẫn hiện là cách duy nhất để kiểm tra sự phân bố của các hành tinh trong thiên hà. Nhưng cho đến nay, ít người biết đến chủ yếu là do khó khăn trong việc đo khoảng cách tới các hành tinh cách xa Mặt Trời quá 10.000 năm ánh sáng".

Thay vào đó, để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã xem xét sự phân bố của một đại lượng mô tả chuyển động tương đối của thấu kính và nguồn sáng ở xa trong vi thấu kính hành tinh. Bằng cách so sánh sự phân bố quan sát được trong các sự kiện vi thấu kính hấp dẫn với dự đoán của mô hình thiên hà, nhóm nghiên cứu có thể suy ra sự phân bố của các hành tinh trong thiên hà. Kết quả cho thấy sự phân bố hành tinh không phụ thuộc nhiều vào khoảng cách từ trung tâm thiên hà. Thay vào đó, các hành tinh lạnh chuyển động quanh các ngôi sao của chúng dường như tồn tại phổ biến trong Milky Way. Điều này bao gồm cả chỗ phình của thiên hà, nơi có một môi trường rất khác so với vùng lân cận Hệ Mặt Trời, và là nơi mà từ lâu đã ít có khả năng cho sự hiện diện của các hành tinh.

Tác giả chính của nghiên cứu, Naoki Koshimoto giải thích: “Các sao trong chỗ phình nằm gần nhau hơn nhiều so với các sao trong vùng lân cận Mặt Trời. Phát hiện của chúng tôi cho thấy các hành tinh cư trú trong cả hai môi trường sao này có thể giúp nâng cao hiểu biết về cách các hành tinh hình thành và lịch sử hình thành hành tinh trong Milky Way".

Theo các nhà nghiên cứu, bước tiếp theo nên kết hợp những kết quả này với phép đo thị sai vi thấu kính hoặc độ sáng thấu kính - hai đại lượng quan trọng khác liên quan đến vi thấu kính hành tinh.

Minh Phương
Theo Science Daily