Betelgeuse

Có vẻ như các nhà thiên văn học đã tìm ra được lời giải cho sự sụt giảm độ sáng kỳ lạ của sao Betelgeuse.

Vào mùa thu năm 2019, Betelgeuse - một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời - bắt đầu mờ đi rõ rệt. Tới tháng hai năm 2020, nó đã mất tới hai phần ba độ sáng thông thường mà nó vốn có.

Betelgeuse là ngôi sao sáng tạo thành một bên vai của chòm sao Orion (Thợ săn). Nó là một sao nặng đã đi vào giai đoạn sao siêu khổng lồ đỏ, và sẽ chết đi trong một vụ nỗ supernova dữ dội trong tương lai không xa. Vì thế, một số nhà thiên văn đã suy đoán rằng sự mờ đi đột ngột này cho thấy đã bắt đầu giai đoạn cuối của Betelgeuse, và nó sẽ sớm phát nổ.

Theo tác giả chính của nghiên cứu đã đăng trên Nature là Miguel Montargès thì "Kết quả thu được của chúng tôi xác nhận rằng sự mờ đi đột ngột không hề chỉ ra dấu hiệu của việc Betelgeuse sắp phát nổ dưới dạng supernova."

Tuy nhiên, "một số sao siêu khổng lồ đỏ chỉ cho thấy rất ít hoặc thậm chí không có dấu hiệu gì về việc sự sụp đổ lõi sẽ xảy ra cho tới tận trước khi nó xảy ra ra chỉ vài năm cho tới vài tuần," - nhóm nghiên cứu bổ sung. "Vì thế, mặc dù sự mất khối lượng của Betelgeuse không cho thấy rằng nó sẽ sụp đổ, nhưng nó vẫn có khả năng sẽ phát nổ mà không báo trước."

Nghiên cứu mới có thể được áp dụng rộng ra ngoài việc tìm hiểu về Betelgeuse.

Như nhà thiên văn Emily Levesque viết trên "News and Views" (Tin tức và quan điểm), thì "Nghiên cứu chi tiết về hành vi không mong đợi của Betelgeuse đặt nền tảng cho việc làm sáng tỏ các đặc tính của mọi ngôi sao. Các cơ sở nghiên cứu thế hệ tiếp theo sẽ tập trung vào việc theo dõi độ sáng của các sao theo thời gian, hoặc nghiên cứu dấu hiệu của bụi trong quang phổ hồng ngoại của các ngôi sao, qua đó có thể mang lại những thông tin vô giá."

R.T
Theo Live Science