Milky Way

Một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Tương đối tính Quốc tế đã tìm thấy một bằng chứng cho thấy Sagittarius A* có thể không phải một lỗ đen lớn mà là một khối lượng lớn của vật chất tối. Trong nghiên cứu đã công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society: Letters (tạp chí khoa học của Hội Thiên văn học Hoàng gia Anh), các nhà khoa học mô tả bằng chứng mà họ đã tìm thấy cũng như cách mà nó có thể đứng vững qua các cuộc kiểm tra.

Trong những năm qua, cộng đồng khoa học đều đồng ý rằng có một khối lượng lớn ở trung tâm của thiên hà Milky Way và nó hẳn là một lỗ đen siêu nặng. Khối lượng đó được đặt tên là Sagittarius A*. Sự tồn tại của nó chưa từng được xác nhận một cách trực tiếp mà thay vào đó, nó được xác nhận thông qua hành vi của các vật thể xung quanh nó. Trong một nỗ lực mới, các nhà nghiên cứu gợi ý rằng có một loại khối lượng khác cũng có thể tạo ra những phản ứng tương tự đối với các thiên thể xung quanh và đồng thời nó cũng có thể giải thích được một số điểm bất thường đã được quan sát thấy.

Trở lại năm 2014. Khi đó các nhà vật lý thiên văn đã phải đối mặt với một vấn đề rất nan giải: một đám mây khí có tên là G2 đã di chuyển tới một vị trí đủ gần Sagittarius A* để nó lẽ ra phải bị phá hủy và kéo vào bên trong lỗ đen. Nhưng thay vào đó, đám mây khí này vẫn tiếp tục dịch chuyển mà không tổn hại gì.

Trong nỗ lực mới của mình, các nhà nghiên cứu gợi ý rằng lý do khiến G2 có thể sống sót trong hành trình đi ngang qua Sagittarius A* là bởi trên thực tế Sagittarius A* không phải một lỗ đen. Để đi tới kết luận này, họ đã tạo ra một mô phỏng của Milky Way, trong đó để Sagittarius A* không phải một lỗ đen mà là một khối lượng vật chất tối.

Khi chạy mô phỏng này, các nhà nghiên cứu thấy rằng Milky Way cũng có thể hoạt động giống như khi khối lượng ở trung tâm đó là lỗ đen: các sao loại S cũng có những hành vi tương tự, cũng như đường cong ở quầng ngoài của thiên hà. Xa hơn thế, họ gợi ý rằng khối lượng đó có thể bao gồm các hạt darkino (những hạt giả định, được cho rằng cùng nhóm với các fermion). Mô phỏng cho thấy nếu như chúng cụm lại với nhau chúng sẽ có các đặc tính rất giống với một lỗ đen (trừ những đặc điểm mạnh mẽ nhất của nó).

Bryan
Theo Phys.org