W49A

Hình ảnh kết hợp này cho thấy bước sóng vô tuyến (biểu thị bởi màu cam) và sóng hồng ngoại thu được từ một đám mây phân tử khổng lồ có tên là W49A, nơi có những sao mới đang hình thành.

Một nhóm các nhà thiên văn học do Chris DePree ở Đại học Agnes Scott đứng đầu đã sử dụng Tổ hợp kính thiên văn rất lớn (VLA) Karl G. Jansky của Quỹ Khoa học Quốc gia (Mỹ) để có được những hình ảnh mới với độ phân giải cao ở bước sóng vô tuyến về cụm sao còn đang trong giai đoạn hình thành này.

W49A nằm cách Trái Đất khoảng 36.000 năm ánh sáng. Nó đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, và những hình ảnh vô tuyến mới đã hé lộ những thay đổi đags kinh ngạc xảy ra kể từ những quan sát đầu tiên của VLA vào năm 1994 và 1995.

Những hình ảnh thu được ở bước sóng vô tuyến của VLA cho thấy hình dạng và chuyển động của những đám mây khổng lồ chứa hydro đã ion hóa được hình thành bởi bức xạ tử ngoại mạnh mẽ tới từ các sao trẻ. So sánh những hình ảnh mới và cũ cùng được chụp bởi VLA về những vùng ion hóa này, các nhà khoa học phát hiện ra hoạt động mới ở một vài vùng trong số đó. Hoạt động mới này bao gồm một luồng phản lực hẹp vận tốc cao trong một vùng, khí dịch chuyển vởi vận tốc siêu thanh ở ba vùng khác, và ở một vùng khác nữa là sự sụt giảm bất thường của cường độ sóng vô tuyến.

Các nhà thiên văn đã cho biết về các phát hiện này của họ trên Astronomical Journal. Họ dự định sẽ tiếp tục quan sát vùng này để theo dõi các thay đổi và qua đó biết thêm những chi tiết mới về các quá trình phức tạp của sự tạo sao cũng như những tương tác của vật chất phóng ra từ các sao trẻ.

R.T
Theo Phys.org