Farfarout

Các nhà thiên văn đã xác định được vật thể xa nhất từng biết tới trong Hệ Mặt Trời của chúng ta - một hành tinh lùn được đặt biệt danh là Farfarout (Rất xa xôi bên ngoài) có quỹ đạo xa hơn Pluto. Thiên thể này ở xa Mặt Trời tới mức nếu đứng từ đó mà quan sát, bạn sẽ thấy Trái Đất và Sao Thổ giống như láng giềng của nhau.

Với quỹ đạo có khoảng cách trung bình là 132 AU (AU là viết tắt của đơn vị thiên văn, 1AU tương ứng với khoảng cách trung bình từ Trái Đất tới Mặt Trời), nó vượt qua "Farout" - vật thể xa nhất được biết tới trước đây. Khoảng cách trung bình của Farout là 124 AU. Tên chính xác của Farfarout (theo qui ước chuẩn của các nhà khoa học) là 2018 AG37, và nó có lẽ sẽ có một tên chính thức khác khi được xác nhận là một hành tinh lùn.

Mặc dù vật thể này đủ lớn để được phân loại là hành tinh lùn và nó nằm ở rất xa ở vùng ngoài của Hệ Mặt Trời, nó không thể đủ lớn để có thể coi là Hành tinh thứ Chín (Planet Nine) - vật thể mà các nhà thiên văn học đã xác định được sự tồn tại trên lý thuyết. Hành tinh thứ Chín được cho rằng có quỹ đạo xa hơn Sao Hải Vương. Nếu nó tồn tại, nó phải có khối lượng lớn gấp nhiều lần Trái Đất để lực hấp dẫn của nó có thể kéo giãn và bẻ cong quỹ đạo của các vật thể khác ở vùng ngoài của Hệ Mặt Trời. Farfarout không hề đủ lớn để có thể là nguyên nhân của sự kéo giãn và bẻ cong đó.

Để hình dung được 132 AU là bao xa, hãy xem xét khoảng cách giữa Trái Đất và Sao Hỏa. Ngay cả với điều kiện lý tưởng nhất, tên lửa hiện có của NASA cũng cần tới vài tháng để di chuyển giữa hai hành tinh này (từ Trái Đất tới Sao Hỏa hoặc ngược lại). Nhưng quỹ đạo của Sao Hỏa chỉ cách Mặt Trời 1,524 AU, tức là vào thời điểm lý tưởng nhất thì nó chỉ cách Trái Đất hơn 0,5 AU. Như vậy, việc di chuyển giữa Trái Đất và Sao Hỏa đối với người quan sát ở Farfarout giống như bay từ Miami tới Albuquerque (2 địa danh này ở Mỹ cách nhau chỉ hơn 3.000 km) đối với người quan sát ở Mặt Trăng (cách Trái Đất 384.000 km).

Tuy nhiên, Farfarout không chỉ dạo quanh ở khoảng cách 132 AU đó.

Một trong những nhà khoa học đã phát hiện ra Farfarout là David Tholen ở Đại học Hawaii cho biết: "Một chu kỳ quỹ đạo của Farfarout kéo dài một thiên niên kỷ. Vì quỹ đạo dài này, nó dịch chuyển rất chậm trên bầu trời, đòi hỏi nhiều năm quan sát để xác định chính xác đường đi của nó."

Các quan sát trong hai năm liên tiếp đã hé lộ rằng đường đi của Farfarout quanh Mặt Trời tạo thành một hình elip thuôn dài. Vào lúc tới gần nhất, nó nằm cách Mặt Trời chỉ khoảng 24 AU, tức là gần hơn quỹ đạo của Pluto và Sao Hải Vương. Nhưng khi ở xa nhất, nó nằm cách Mặt Trời tới 175 AU, tức là khoảng 0,06% khoảng cách tới ngôi sao gần nhất (4 năm ánh sáng).

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng Farfarout có đường kính khoảng 400 km, có nghĩa là nó nằm trong số những hành tinh lùn nhỏ nhất. Có lẽ rằng sẽ còn nhiều vật thể như vậy được phát hiện khi mà công nghệ tiếp tục phát triển để xác định được những vật thể mờ và xa xôi, khi mà các nhà thiên văn học vẫn tiếp tục săn lùng Hành tinh thứ Chín bí ẩn.

R.T
Theo Live Science