Space rock

Có một tiểu hành tinh khổng lồ ở đâu đó trong Hệ Mặt Trời, và nó đã ném một tảng đá lớn vào Trái Đất cách đây ít lâu.

Bằng chứng về tảng đá không gian bí ẩn này tới từ một thiên thạch chứa kim cương đã phát nổ trên bầu trời Sudan vào năm 2008.

NASA đã phát hiện một thiên thạch rộng 4 mét và nặng khoảng 8.200 kg lao về phía hành tinh của chúng ta trước khi va chạm, và các nhà nghiên cứu đã tới sa mạc của Sudan để thu thập một lượng tàn tích phong phú khác thường của sự kiện này. Giờ đây, một nghiên cứu mới về một trong những thiên thạch đó gợi ý rằng tảng thiên thạch lớn đó đã vỡ ra từ một tiểu hành tinh khổng lồ có kích thước xấp xỉ hành tinh lùn Ceres - thiên thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh.

Giống như khoảng 4,6% số thiên thạch khác từng được tìm thấy ở Trái Đất, thiên thạch này (có tên là Almahata Sitta, viết tắt là AhS) có thành phần chính là loại vật liệu được gọi là chondrite carbon. Những khối đá màu đen này chứa những hợp chất hữu cơ cùng nước và nhiều khoáng chất khác.

Thành phần khoáng chất của những tảng đá không gian này mang lại manh mối về "tiểu hành tinh mẹ" nơi mà thiên thạch lớn kia đã tách ra.

Đồng tác giả nghiên cứu là Vicky Hamilton - nhà địa chất hành tinh tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở Boulder, Colorado (Mỹ) - cho biết: "Một số thiên thạch này có thành phần chính là các khoáng chất cho thấy bằng chứng về việc có sự tiếp xúc với nước ở nhiệt độ và áp suất thấp. Thành phần của những thiên thạch khác thì cho thấy chúng bị làm nóng lên trong điều kiện không có nước."

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 50 miligam mẫu vật từ AhS qua kính hiển vi và thấy rằng nó có một thành phần cấu tạo độc đáo.

Thiên thạch này chứa những khoáng chất khác thường được hình thành ở nhiệt độ và áp suất "trung bình" (cao hơn so với những gì bạn tìm thấy ở những tiểu hành tinh thông thường, nhưng thấp hơn so với bên trong một hành tinh). Đặc biệt, một khoáng chất có mặt trong đó là amphibole vốn là một thứ cần hình thành trong điều kiện có nước.

Amphibole khá phổ biến trên Trái Đất. Tuy nhiên, nó chỉ một lần duy nhất được tìm thấy trong một thiên thạch với số lượng cực ít, đó là ở thiên thạch Allende - chodrite carbon lớn nhất từng được tìm thấy, rơi ở Chihuahua, Mexico vào năm 1969.

Hàm lượng amphibole cao của AhS cho thấy nó là một mảnh vỡ ra từ một tiểu hành tinh mà trước đây chưa từng ném mảnh vụn nào khác vào Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu cho biết các mẫu vật chất được mang về từ các tiểu hành tinh Ryugu và Bennu bởi hai tàu không gian Hayabusa của Nhật Bản và OSIRIS-REx của NASA cho thấy nhiều khoáng chất hiếm khi xuất hiện trong các thiên thạch tìm thấy trên Trái Đất.

Theo Hamilton, có lẽ một số loại chondrite carbon đơn giản là không thể tồn tại được sau khi lao qua khí quyển của Trái Đất, và điều đó cản trở các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu thành phần của các chondrite phổ biến trong không gian.

Nghiên cứu này đã được đăng ngày 21/12/2020 trên Nature Astronomy.

Tuấn Phong
Theo Live Science