Pleiades

Bầu trời phía Bắc vào mùa đông xuất hiện một cụm sao tuyệt đẹp được gọi là Pleiades, hay còn được gọi là “bảy chị em” (seven sisters - trong văn hóa dân gian ở Việt Nam thường gọi là nhóm sao Tua Rua). Nếu quan sát thật cẩn thận, có thể bạn sẽ đếm được sáu ngôi sao. Vậy lí do tại sao chúng ta lại nói rằng có đến bảy ngôi sao trong đó?

Nhiều nền văn hoá trên thế giới gọi Pleiades là “bảy chị em”, và đồng thời cũng lưu truyền những câu chuyện khá giống nhau về chúng. Sau khi nghiên cứu rất kĩ sự chuyển động của các ngôi sao này, các nhà thiên văn tin rằng những câu chuyện này có thể đã xuất hiện vào thời điểm 100.000 năm trước khi nhóm sao này trông khá khác so với hiện tại.

Trong thần thọại Hy Lạp, Pleiades là bảy người con gái của Titan Atlas - người đã bị trừng phạt phải mãi mãi đỡ cả bầu trời, để bầu trời không sụp đổ, và vì vậy ông đã không có khả năng bảo vệ những người con gái của mình. Để cứu các chị em này khỏi bị chiếm đoạt bởi tên thợ săn Orion, thần Zeus đã biến họ thành những ngôi sao. Thế nhưng, một cô gái trong số họ đã nảy sinh tình cảm với một người phàm trần và sau đó đã bỏ trốn, đó chính là lí do tại sao chúng ta chỉ nhìn thấy sáu ngôi sao.

Một câu chuyện tương tự cũng đã được tìm thấy giữa các nhóm thổ dân trên khắp nước Úc. Trong nhiều nền văn hoá của thổ dân Úc, Pleiades là một nhóm các cô gái trẻ, và thường được gắn liền với các nghi lễ và câu chuyện thiêng liêng của phụ nữ. Pleiades đồng thời cũng là một nhân tố quan trọng trong lịch và thiên văn học của thổ dân, ví dụ đối với một số nhóm thổ dân, lần đầu tiên nhóm sao này mọc lên lúc bình minh đánh dấu sự bắt đầu của mùa đông.

Nằm gần với nhóm sao “bảy chị em” trên bầu trời chính là chòm sao Orion, thường được gọi là “cái chảo” (“the saucepan”) tại Úc. Trong thần thoại Hy Lạp thì Orion là một thợ săn. Trong các văn hóa bản địa, đó cũng là thợ săn, hoặc là một nhóm những thanh niên cường tráng. Nhà văn kiêm nhà nhân chủng học Daisy Bates cho rằng những người ở miền trung nước Úc ví Orion như là một “thợ săn phụ nữ”, và đặc biệt là với những cô gái trong Pleiades. Nhiều câu chuyện của thổ dân kể rằng, bảy người chị em này đang bị theo đuổi bởi các chàng trai của Orion, và có lẽ một trong số các chị em họ đã chết, hoặc đang lẩn trốn, hoặc quá trẻ, hay đã bị bắt cóc, vì vậy chỉ có sáu người được nhìn thấy.


Một cách minh hoạ của thổ dân Úc về chòm sao Orion từ người Yolngu ở Bắc Úc. Ba ngôi sao trong vành đai của Orion là ba thanh niên đang đi câu cá trên một chiếc xuồng, và đã bắt được một con cá quý, ám chỉ tinh vân Orion.
Credit: Ray Norris dựa trên miêu tả bằng miệng và viết tích của người Yolngu.


Người em gái thất lạc

Những câu chuyện tương tự như người em gái thất lac của nhóm Peiades được tìm thấy trong các nền văn hoá châu Âu, châu Phi, châu Á, người Indonesia, người bản địa châu Mỹ và thổ dân Úc. Nhiều nền văn hoá coi nhóm này có bảy ngôi sao, nhưng thừa nhận rằng chỉ có sáu ngôi sao có thể nhìn thấy bình thường, và ẩn chứa sau đó là một câu chuyện giải thích tại sao ngôi sao thứ bảy không thể nhìn thấy.

Làm thế nào những câu chuyện của thổ dân Úc lại có thể giống với những câu chuyện về chủ đề này của người Hy Lạp? Các nhà nhân chủng học từng nghĩ rằng những người châu Âu có thể đã đem những câu chuyện của người Hy Lạp đến Úc, nơi mà nó đã được chuyển thể bởi người thổ dân cho mục đích riêng của họ. Nhưng những câu chuyện của người thổ dân nơi đây có vẻ lâu đời hơn rất nhiều so với sự tiếp xúc giữa họ với người châu Âu. Hơn nữa, có rất ít tiếp xúc giữa phần lớn các nền văn hoá thổ dân châu Úc và phần còn lại của thế giới trong ít nhất 50.000 năm. Vậy, lí do tại sao họ lại cùng lưu truyền những câu chuyện giống nhau?

Barnaby Norris và Ray Norris đề xuất lời giải trong một cuốn sách có tựa đề Advancing Cultural Astronomy.

Tất cả nhân loại hiện đại đều là hậu duệ của những người đã sống ở châu Phi trước khi họ bắt đầu những chuyến di trú dài đến những nơi ngõ ngách xa xôi của Trái Đất khoảng 100.000 năm trước. Liệu rằng những câu chuyện về bảy chị em có thể lâu đời như vậy không? Có phải tất cả nhân loại đều mang theo những câu chuyện này theo họ xuyên suốt hành trình đến châu Úc, châu Âu và châu Á?


Vị trí của các ngôi sao trong Pleiades ngày nay và 100.000 năm trước. Ngôi sao Pleione, ở bên trái, xa hơn một chút so với Atlas vào năm 100.000 trước Công nguyên, khi này nó dễ nhìn hơn nhiều. Credit: Ray Norris. 

Một mô phỏng cho thấy các ngôi sao Atlas và Pleione sẽ xuất hiện như thế nào đối với mắt thường tại thời điểm hiện tại và vào năm 100.000 trước Công nguyên. Credit: Ray Norris.


Những ngôi sao di chuyển

Các phép đo cẩn thận thưc hiện bởi kính thiên văn không gian Gaia và các kính thiên văn không gian khác đã cho thấy rằng các ngôi sao của Pleiades đang di chuyển chậm chạp trên bầu trời. Một ngôi sao trong số chúng, Pleione, bây giờ đang rất gần với sao Atlas, chúng trông như một ngôi sao khi quan sát bằng mắt thường

Nhưng nếu chúng ta nắm được những gì chúng ta biết về sự di chuyển của các ngôi sao này thì cách đây 100.000 năm, Pleione ở xa hơn Atlas và có thể được quan sát dễ dàng bằng mắt thường. Vậy, 100.000 năm trước, hầu hết con người đã thực sự nhìn thấy bảy ngôi sao trong nhóm sao Pleiades.

Các nhà khoa học tin rằng sự di chuyển này của các sao có thể góp phần giải thích hai bí ẩn: sự tương đồng giữa các câu chuyện của Hy Lạp và thổ dân về những ngôi sao này, và sự thật rằng có rất nhiều nền văn hoá gọi nhóm sao này là “bảy chị em” mặc dù ngày nay chúng ta chỉ nhìn thấy sáu sao trong số chúng.

Có khả năng những câu chuyện về Bảy chị em và Orion lâu đời đến mức tổ tiên của chúng ta đã kể về chúng cho nhau nghe xung quanh ngọn lửa trại ở châu Phi, 100.000 năm trước? Liệu đây chính là câu chuyện cổ nhất trên thế giới?

Chung Nguyen
Dịch dựa theo bài của tác giả Ray Norris trên The Conversation.