Chang'e-5

Theo thông tin từ cơ quan không gian của Bắc Kinh, Trung Quốc đã đáp thiết bị thăm dò xuống Mặt Trăng với mục tiêu mang về Trái Đất những mẫu đất đã đầu tiên kể từ sau lần cuối cùng một mẫu như vậy được mang về cách đây 4 thập kỷ.

Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD vào chương trình không gian của họ do quân đội quản lý, với hi vọng có được một trạm không gian có người vào năm 2022 và cuối cùng sẽ đưa người tới Mặt Trăng.

Mục tiêu của nhiệm vụ mới đây nhất là để thu thập đá và đất Mặt Trăng, qua đó giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nguồn gốc, sự hình thành và hoạt động núi lửa trên bề mặt của Mặt Trăng.

Theo tin từ Tân Hoa Xã, tàu không gian Chang'e-5 (Hằng Nga 5) đã hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng ở phần hướng về phía Trái Đất vào cuối ngày thứ ba vừa rồi.

Nếu hành trình quay về diễn ra thuận lợi, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba mang được mẫu vật chất về từ Mặt Trăng, sau Mỹ và Liên Xô hồi những thập kỷ 1960 và 1970. Đây cũng là nỗ lực đầu tiên trong việc mang mẫu đá về từ Mặt Trăng kể từ sau nhiệm vụ Luna 24 của Liên Xô vào năm 1976.

Tàu của Trung Quốc đã đi vào quỹ đạo của Mặt Trăng hôm thứ bảy tuần trước sau 112 giờ kể từ khi rời Trái Đất, tính từ khi nó được tên lửa đẩy từ bãi phóng ở Hải Nam.

Mô phỏng khoang đổ bộ của Chang'e-5.

 

"Giấc mơ không gian"

Theo thông tin được đăng trên tạp chí Nature, sứ mệnh này có mục tiêu thu thập 2 kg vật chất từ một khu vực chưa được khám phá trước đây tên là Oceanus Procellarum (Đại dương bão), nơi có một đồng bằng dung nham rộng lớn.

Tân Hoa Xã cho biết thiết bị thăm dò được thiết kế để thu thập các mẫu đất đá từ bề mặt Mặt Trăng cũng như khoan xuống dưới để đảm bảo tính đa dạng của các mẫu vật thu được. Quá trình thu thập này sẽ diễn ra trong thời gian ban ngày của một ngày Mặt Trăng, tức là khoảng 14 ngày Trái Đất.

Các mẫu vật chất Mặt Trăng sau đó sẽ được đưa về Trái Đất trong một khoang đổ bộ được dự kiến sẽ hạ cánh trong khu vực Nội Mông vào tháng 12 này.

Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đang ra sức đẩy nhanh cuộc chạy đua không gian với mục tiêu đuổi kịp Mỹ và Nga, dù đã khá muộn. Tàu không gian vừa được đưa lên nằm trong số một loạt các mục tiêu do Bắc Kinh đề ra, trong đó có cả việc tạo ra một tên lửa siêu mạnh có thể mang trọng tải lớn hơn những gì mà NASA và SpaceX có thể thực hiện, một căn cứ Mặt Trăng và một trạm không gian có người. Tất nhiên, họ cũng đang tính tới cả những nhiệm vụ liên quan tới Sao Hỏa.

R.T
Theo Space Daily