Solar system

Những ý nghĩ nào làm bạn thao thức mỗi đêm? Nếu một trong số đó là về việc liệu Hệ Mặt Trời của chúng ta sẽ kết thúc ra sao thì quả thật bạn đang nhìn vào một bức tranh lớn! Các nhà khoa học từ lâu cũng tự hỏi điều tương tự, và họ đã có câu trả lời cho bạn: một phần của Hệ Mặt Trời sẽ bị nuốt chửng, còn phần còn lại có lẽ sẽ tan rã.

Theo lời mở đầu của một nghiên cứu công bố gần đây bởi Jon Zink ở Đại học California, Los Angeles (UCLA), thì việc nghiên cứu số phận của Hệ Mặt Trời là "một trong những mục tiêu lâu đời nhất của vật lý thiên văn, suốt từ thời của Newton." Mặc dù đã tồn tại lâu như vậy, đây vẫn là một lĩnh vực phức tạp, vì giải quyết những tương tác động lực học giữa nhiều vật thể thực sự là một bài toán rất khó.

Hơn thế nữa, không thể chỉ tính tới động lực học của các vật thể khi coi là chúng không biến đổi. Mặt Trời sẽ thay đổi dữ dội khi nó già đi và không còn nằm trong dãy chính (của biểu đồ quang phổ sao). Nó sẽ phồng to tới mức nuốt chửng Sao Thủy, Sao Kim và Trái Đất và rồi sẽ mất gần nửa khối lượng trong vòng 7 tỷ năm tới.

Các hành tinh nhóm ngoài sẽ sống sót qua giai đoạn này, nhưng chúng sẽ không tránh được việc bị tổn hại. Vì quỹ đạo của các hành tinh bị chi phối bởi lực hấp dẫn từ Mặt Trời, việc Mặt Trời mất khối lượng sẽ dẫn tới việc các hành tinh phía ngoài bị đẩy ra xa hơn, làm yếu đi mối liên kết của chúng với cả hệ.

Còn điều gì tiếp theo nữa? Zink cùng các cộng sự tìm ra kịch bản cho việc đó qua một loạt các mô phỏng tương tác nhiều vật thể.

 

Hệ Mặt Trời không còn nữa

Các mô phỏng cho thấy điều gì sẽ xảy tới cho các hành tinh của chúng ta sau khi Mặt Trời nghiền nát các hành tinh phía trong, mất đi nửa khối lượng của nó, và bắt đầu đi vào giai đoạn sống của một sao lùn trắng. Zink và các cộng sự cho thấy cách mà các hành tinh khổng lồ sẽ dịch chuyển ra xa khi Mặt Trời mất khối lượng, tạo thành một cộng hưởng quỹ đạo mới của Sao Mộc và Sao Thổ với tỷ lệ 5:2 (Cứ 5 vòng quỹ đạo của Sao Mộc thì Sao Thổ đi được 2 vòng).

Nhưng Hệ Mặt Trời của chúng ta không tồn tại một cách biệt lập. Có nhiều ngôi sao khác trong thiên hà, và cứ khoảng 20 triệu năm lại có một sao đi qua gần chúng ta. Nhóm nghiên cứu đã phải tính đến những hiệu ứng của những ngôi sao này trong các mô phỏng của họ.

Họ chứng minh được rằng trong khoảng 30 tỷ năm nữa, những vụ bay ngang qua của các sao sẽ làm xáo trộn các hành tinh nhóm ngoài của chúng ta đủ để phá vỡ sự ổn định và gây ra hỗn loạn, nhanh chóng đẩy các hành tinh khổng lồ ra khỏi Hệ Mặt Trời.

Hành tinh cuối cùng còn trụ lại sẽ ở rất lâu trong Hệ Mặt Trời. Nhưng trong vòng 100 tỷ năm, ngay cả hành tinh cuối cùng cũng sẽ bị đẩy ra ngoài do những vụ bay ngang của các sao khác. Sau khi thoát khỏi Hệ Mặt Trời, các hành tinh khổng lồ của chúng ta (Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương) sẽ gia nhập vào danh sách các hành tinh lang thang không có vật chủ (sao mẹ) trong thiên hà.

Do đó, số phận của chúng ta có vẻ thật tồi tệ. Theo những mô phỏng này thì việc mất khối lượng của Mặt Trời cùng những vụ bay ngang qua của các sao khác sẽ dẫn tới kết cục cuối cùng là sự phá hủy hoàn toàn Hệ Mặt Trời.

Tin tốt là việc đó sẽ diễn ra trong nhiều tỷ năm nữa. Vì thế, bạn không cần phải mất ngủ hàng đêm vì nó.

Bryan
Theo Space Daily