penumbral lunar eclipse

Chiều tối ngày 30 tháng 11 này, hiện tượng nguyệt thực cuối cùng của năm 2020 sẽ diễn ra. Người quan sát ở Việt Nam sẽ có thể quan sát được giai đoạn sau của nguyệt thực nửa tối.

Nguyệt thực nửa tối là hiện tượng Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất. Tương tự như nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, thời điểm diễn ra hiện tượng này là lân cận ngày Trăng tròn, khi Mặt Trăng nào phía bên kia của Trái Đất so với Mặt Trời và ba thiên thể gần như thẳng hàng. Tuy nhiên, khác với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, với nguyệt thực nửa tối Mặt Trăng chỉ đi vào vùng nửa tối của Trái Đất. Do đó, nó vẫn nhận được một lượng lớn ánh sáng Mặt Trời. Phần Mặt Trăng được bao phủ bởi bóng nửa tối có sự tối đi một chút và chuyển sang sắc đỏ nhạt. Tuy nhiên, ở những nơi khí quyển vốn ô nhiễm thì sự chuyển màu này có thể không rõ nét đến mức khó nhận ra.

Vì lý do nêu trên, nguyệt thực nửa tối thường không được chú ý nhiều như với nguyệt thực một phần hoặc toàn phần. Mặc dù vậy, đây vẫn là một hiện tượng được những người yêu thích bầu trời quan tâm phần nào.

Nguyên lý của hiện tượng nguyệt thực. Đọc thêm trong bài: Nhật thực và nguyệt thực.

Năm 2020, người quan sát ở Việt Nam đã có thể theo dõi được hai lần nguyệt thực nửa tối vào rạng sáng các ngày 11/01 và 06/06. Nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra vào chiều tối 30/11 tới đây là lần cuối cùng trong năm. (Hình ảnh ở đầu bài viết này là nguyệt thực nửa tối rạng sáng 11/01/2020 do VACA chụp).

Nguyệt thực diễn ra vào chiều tối, bắt đầu khi Mặt Trăng còn chưa mọc ở múi giờ của Việt Nam, do đó người quan sát ở Việt Nam sẽ chỉ theo dõi được giai đoạn sau của hiện tượng này khi Mặt Trăng đã mọc lên.

Chiều tối 30/11, Mặt Trăng mọc vào lúc 17h14 theo giờ Hà Nội (lệch không đáng kể với những địa phương khác). Tuy nhiên, chỉ những nơi có thể nhìn tới sát chân trời phía Đông (chẳng hạn ở bờ biển) bạn mới có thể theo dõi hiện tượng vào thời điểm này. Trên thực tế, với hầu hết người quan sát ở Việt Nam thì nguyệt thực chỉ có thể được nhìn thấy sau 17h30 cùng ngày, khi Mặt Trăng vẫn còn nằm khá thấp phía trên chân trời phía Đông.

Mặc dù đây không phải một sự kiện thực sự đáng chú ý, ở những nơi có điều kiện thời tiết tốt và góc nhìn đủ thấp về phía Đông thì đây cũng là một cơ hội hấp dẫn để quan sát Mặt Trăng - đặc biệt là với những ai có một chiếc kính thiên văn.

Nguyệt thực tiếp theo sẽ quan sát được tại Việt Nam là nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào tối 26/05/2021.

VACA