Pluto

Năm 2015, tàu không gian New Horizons đã khám phá ra những ngọn núi phủ băng ngoạn mục trên Pluto. Chúng rất giống với những ngọn núi trên Trái Đất. Cảnh tượng như vậy chưa từng được quan sát thấy ở bất cứ nơi nào khác trong Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, khi mà nhiệt độ khí quyển của hành tinh chúng ta giảm theo độ cao thì ở Pluto, nhiệt độ tăng lên khi lên cao do nhận thêm nhiều bức xạ từ Mặt Trời.

Vậy thì băng đó tới từ đâu? Một nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu bởi các nhà khoa học ở CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia - Pháp) đã tiến hành khám phá việc này. Trước tiên, họ xác định được rằng "tuyết" trên các ngọn núi ở Pluto thực ra là methane đóng băng, nhờ việc có dấu vết của loại khí này ở khí quyển của Pluto - tương tự như hơi nước trong khí quyển Trái Đất.

Tiếp theo, để hiểu được cách mà khung cảnh tương tự Trái Đất có thể được tạo ra ở điều kiện khác biệt như vậy, họ sử dụng một mô hình khí hậu dành được thiết kế cho hành tinh lùn này, qua đó cho thấy cơ chế hoạt động đặc biệt của nó. Ở trên cao, khí quyển của Pluto rất giàu methane. Kết quả là chỉ ở đỉnh của những ngọn núi đủ cao, lượng methane trong khí quyển mới đủ nhiều để cô đặc và đóng băng.

Ở độ cao nhỏ hơn, không khí quá ít methane để có thể tạo thành băng.

Nghiên cứu này đã được công bố trên Nature Communications. Nó cũng có thể giải thích tại sao các sông băng chứa methane được quan sát thấy ở Pluto đều ở những nơi có những rặng núi cao, không giống như sông băng chứa nước ở Trái Đất có vị trí ở những nơi bằng phẳng.

Tuấn Phong
Theo Science Daily

Đọc thêm bài: Tại sao Pluto không còn là hành tinh?