Venus

Sao Kim có thể đã không phải một địa ngục ngột ngạt và không có nước như ngày nay nếu như Sao Mộc đã không thay đổi quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời. Đây là điều được cho biết trong một nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Đại học California, Riverside (UCR).

Sao Mộc có khối lượng gấp 2,5 lần tổng khối lượng của 7 hành tinh còn lại trong Hệ Mặt Trời. Bởi sự khổng lồ như vậy, nó có thể làm nhiễu loạn quỹ đạo của các hành tinh khác. (Thông tin chi tiết về các hành tinh, tham khảo bài: Các hành tinh của Mặt Trời.)

Trong giai đoạn đầu khi Sao Mộc hình thành, nó chuyển động tới gần hơn và rồi lại đi ra xa hơn khỏi Mặt Trời bởi tương tác với đĩa vật chất mà từ đó các hành tinh khổng lồ khác hình thành. Chuyển động này đã gây ảnh hưởng tới Sao Kim.

Quan sát các hệ hành tinh khác đã cho thấy sự dịch chuyển quỹ đạo của những hành tinh khổng lồ tương tự trong giai đoạn sớm sau khi hình thành là tương đối phổ biến. Đây là một trong những phát hiện mới đã được công bố trên Planettary Science Journal (Tạp chí khoa học hành tinh).

Các nhà khoa học coi các hành tinh không có nước lỏng là không có khả năng tồn tại sự sống như chúng ta biết. Nhà sinh học thiên văn của UCR là Stephen Kane cho biết chuyển động của Sao Mộc có khả năng đã đẩy Sao Kim vào trạng thái không sống được hiện nay.

"Một trong những điều thú vị về Sao Kim ngày nay là quỹ đạo của nó gần như tròn một cách hoàn hảo," Kane nói. "Với dự án này, tôi muốn tìm hiểu xem quỹ đạo đó có phải đã luôn tròn như vậy hay không, và nó có tác động thế nào?"

Để trả lời những câu hỏi này, Kane đã tạo ra một mô hình mô phỏng Hệ Mặt Trời, tính toán vị trí của tất cả các hành tinh ở mọi thời điểm và cách mà chúng hút nhau từ những hướng khác nhau.

Các nhà khoa học đã đo tâm sai qũy đạo của các hành tinh với giá trị từ 0 (đường tròn hoàn hảo) tới 1 (hoàn toàn không còn dạng tròn). Một quỹ đạo với tâm sai bằng 1 thậm chí không thể hoàn thành được một vòng quỹ đạo quanh ngôi sao của nó mà thay vào đó nó đơn giản là bị ném vào không gian - Kane nói.

Hiện tại, quỹ đạo của Sao Kim đo được là 0,006, tức là tròn nhất so với quỹ đạo của bất cứ hành tinh nào khác trong Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, mô hình của Kane cho thấy khi Sao Mộc ở gần Mặt Trời hơn vào cách đây khoảng 1 tỷ năm, thì Sao Kim có thể đã có tâm sai quỹ đạo là 0,3, và có khả năng cao hơn nhiều là khi đó nó đã là nơi sống được.

"Khi Sao Mộc dịch chuyển, Sao Kim đã trải qua sự biến đổi nặng nề về khí hậu, nóng lên rồi lạnh đi và mất ngày càng nhiều nước vào khí quyển," Kane nói.

Mới đây, các nhà khoa học đã gây nên nhiều sự phấn khích hơn đối với Sao Kim khi phát hiện ra một loại khí trong những đám mây của hành tinh này có thể chỉ ra sự có mặt của sự sống. Khí đó là phosphine, thường được tạo ra bởi các vi khuẩn, và Kane cho biết có thể rằng khí đó đại diện cho "những chủng loại cuối cùng sống sót trên một hành tinh đã trải qua sự biến đổi môi trường nghiêm trọng."

(Đọc trong bài: Dường như có dấu hiệu của sự sống ở Sao Kim.)

Tuy nhiên, trong trường hợp đó, Kane nhấn mạnh rằng các vi khuẩn cần phải duy trì sự hiện diện của chúng trong những đám mây axit sunfuric ở Sao Kim trong khoảng 1 tỷ năm kể từ sau khi Sao Kim mất hết nước lỏng trên bề mặt của nó - một kịch bản khó mà hình dung được nhưng không phải không thể xảy ra.

"Có lẽ có nhiều quá trình khác có thể sinh ra loại khí đó mà tới nay chưa được phát hiện," Kane nói.

Cuối cùng, Kane cho biết việc hiệu được điều gì đã xảy ra với Sao Kim là rất quan trọng. Nó là một hành tinh có thể từng sống được nhưng hiện đang có một bề mặt đạt nhiệt độ lên tới hơn 400 độ C.

"Tôi tập trung vào những điểm khác nhau giữa Sao Kim và Trái Đất, và điều gì đã xảy ra với Sao Kim, từ đó chúng tôi có thể nắm rõ xem tại sao Trái Đất có thể sống được, và điều gì chúng ta có thể làm để bảo vệ hành tinh này một cách tốt nhất," Kane nói.

R.T
Theo Science Daily