asteroid passes earth

Tiểu hành tinh 2020 SW sẽ quét qua rất gần chúng ta vào ngày 24 tháng 9 này. Nó sẽ đủ sáng để có thể được nhìn thấy qua kính thiên văn. Tất nhiên, sẽ không có va chạm nào xảy ra cả.

Một tiểu hành tinh nhỏ được phát hiện vào ngày 18 tháng 9 vừa qua ở đài quan sát núi Lemmon (Arizona, Mỹ) sẽ lướt qua hành tinh của chúng ta ở khoảng cách gần hơn nhiều so với khoảng cách của Mặt Trăng, thậm chí gần hơn cả các vệ tinh địa tĩnh.

Vào thời điểm áp sát gần nhất, tiểu hành tinh 2020 SW sẽ cách Trái Đất 28.254 km, tức là chỉ bằng 0,0735 (chưa tới 1/10) khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng. Để tiện so sánh hơn nữa, thì các vệ tinh truyền hình và thời tiết của chúng ta đang bay trên quỹ đạo có độ cao khoảng 35.888 km tính từ mặt đất. Khoảng cách này là rất gần, và vì tiểu hành tinh này rất nhỏ nên nó sẽ bị hấp dẫn của Trái Đất bẻ cong đường đi, như hình ảnh bạn thấy dưới đây.

Quỹ đạo của tiểu hành tinh 2020 SW là đường màu xanh. Mũi tên màu vàng chỉ vào của Mặt Trời.

  

Thời điểm áp sát gần nhất của tiểu hành tinh này sẽ là lúc 18h18 theo giờ Việt Nam, ngày 24/9 này.

 

Hoàn toàn an toàn

Mặc dù vẫn còn vài điểm chưa thật chắc chắn về quỹ đạo của tiểu hành tinh này, các tính toán cho biết không hề có nguy cơ va chạm nào. Vì sự không chắc chắn trong quỹ đạo, thời điểm áp sát của tiểu hành tinh có thể sẽ sớm hoặc muộn hơn tối đa là 6 giờ so với con số nêu trên.

Tiểu hành tinh 2020 SW được ước tính có đường kính từ 4,3 đến 9,7 mét. Tính toán sơ bộ cho biết nó có quỹ đạo quanh Mặt Trời với chu kỳ 372 ngày. Chu kỳ đó chỉ dài hơn so với chu kỳ của Trái Đất có 7 ngày. Tuy nhiên, mặc dù có sự tương đồng trong chu kỳ quỹ đạo của tiểu hành tinh này và Trái Đất, theo các tính toán thì nó sẽ không va chạm với chúng ta trong ít nhất là 50 năm tới (còn xa hơn nữa thì chưa được tính toán chứ không có nghĩa là nó sẽ va chạm).

Thiên thể này di chuyển trong không gian với vận tốc khoảng 27.900 km/h, tức 7,75 km/s so với Trái Đất. Nó sẽ bay ngang qua chúng ta một cách an toàn ở vị trí phía trên Australia hoặc New Zealand.

 

Khả năng quan sát

Tiểu hành tinh 2020 SW có thể đạt cấp sáng biểu kiến từ 13,0 đến 13,5. Đây là độ sáng quá mờ đối với mắt thường, nhưng có thể được quan sát với một kính thiên văn có đường kính 6 hoặc 8 inch (hoặc lớn hơn). Như vậy, về cơ bản, nó không phải một đối tượng quan sát hấp dẫn với đa số mọi người mà chỉ hợp với những ai sở hữu hoặc có điều kiện sử dụng những chiếc kính có đường kính tối thiểu 6 inch (~15cm) và tất nhiên còn cần một điều kiện quan sát tốt.

Với những ai có điều kiện quan sát như vậy, vào thời điểm áp sát, tiểu hành tinh này sẽ có vị trí ở chòm sao Pegasus, sau đó dịch chuyển dần về phía Pisces. Qua các kính thiên văn, nó sẽ giống như một ngôi sao mờ dịch chuyển rất chậm.

Mỗi năm đều có nhiều tiểu hành tinh bay qua gần Trái Đất, nhưng hầu hết chúng không có nguy cơ va chạm. Vụ va chạm của tiểu hành tinh dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài khủng long là vô cùng hi hữu, và đã 65 triệu năm qua không lặp lại. Những vụ thiên thạch có kích thước đủ lớn để va chạm mạnh với mặt đất rất hiếm và chưa từng có vụ va chạm nào gây thiệt hại về người từng được ghi nhận.

R.T
Tham khảo và sử dụng hình ảnh từ Earthsky.org