gravity

Một nhóm các nhà vật lý vừa nhận được giải thưởng trị giá 3 triệu dollar nhờ việc thử nghiệm định luật hấp dẫn một cách chưa từng có.

Eric Adelberger, Jens Gundlach và Blayne Heckel đã giành được Giải thưởng Đột phá trong Vật lý cơ bản 2021 "cho các phép đo cơ bản chính xác để kiểm tra hiểu biết của chúng ta về hấp dẫn, thăm dò bản chất của năng lượng tối và thiết lập các giới hạn về sự liên kết với vật chất tối". Việc này vừa được công bố ngày hôm qua, 10/09/2020.

Ba người nhận giải là những người đứng đầu nhóm nghiên cứu Eöt-Wash của Đại học Washington ở Seattle. Họ đã xây dựng thiết bị đủ nhạy để đo lực hấp dẫn - loại lực yếu nhất trong số 4 tương tác cơ bản của tự nhiên - ở khoảng cách cực kỳ ngắn. Việc đó đã giúp định hình thêm cho bức tranh lớn của các nhà vật lý đối với việc hiểu biết về vũ trụ.

 

Đọc thêm chi tiết về các lực trong bài: CÁC LỰC CƠ BẢN TRONG VŨ TRỤ.

 

Ví dụ, thử đối chiếu nghiên cứu của nhóm này với đinh luật của Newton, trong đó lực hấp dẫn giữa hai vật thể tỷ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách giữa chúng (có nghĩa là nếu khoảng cách tăng gấp đôi thì độ lớn của lực giảm đi 4 lần).

Công thức có sự tham gia của nghịch đảo bình phương này đã vượt qua được mọi cuộc kiểm tra cho tới tận ngày nay. Nhưng các nhà vật lý đã và đang kiểm tra nó ở những thang khoảng cách ngày càng nhỏ hơn, bởi nếu có sự vi phạm ở đó thì có thể sẽ hé lộ những qui luật mới chưa biết của vật lý - chẳng hạn như những chiều phụ mà thuyết dây đã dự đoán.

Các phép đo do Adelberger, Gundlach, Heckel và các đồng nghiệp của họ thực hiện gần đây cho thấy qui tắc nghịch đảo bình phương vẫn đúng ngay cả với khoảng cách chỉ 52 micron (52 phần nghìn milimet), cho thấy rằng bất cứ chiều phụ nào nếu có thì đều phải nhỏ hơn 1/3 đường kính của sợi tóc người - đại diện của giải thưởng Đột phá cho biết.

Giải thưởng Đột phá trong khoa học và toán học được thành lập vào năm 2012 bởi Mark Zuckerberg và Priscilla Chan, Sergey Brin, Anne Wojcicki, cùng với Yuri và Julia Milner. Giải thưởng hàng năm hướng tới việc đẩy mạnh các nghiên cứu đột phá trong khoa học sự sống, toán học và vật lý cơ bản, và để truyền cảm hứng cho trẻ em đối với việc theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Giải Đột phá (Breakthrough Prize) là giải thưởng có giá trị tài chính lớn nhất trong khoa học, với mỗi giải có số tiền thưởng gấp 3 lần giải Nobel (giải Nobel được trao có giá trị 9 triệu krona Thụy Điển, tính theo tỷ giá hiện nay là khoảng 1 triệu USD). Năm nay, đã có bốn giải Đột phá có giá trị như vậy đã được trao cho khoa học sự sống, một cho toán học và hai cho vật lý cơ bản.

Giải thứ hai về vật lý của năm nay được trao cho nhà vật lý Steven Weinberg, đây là Giải Đột phá Đặc biệt để vinh danh ông "vì liên tục đi đầu trong vật lý cơ bản, với ảnh hưởng rộng lớn xuyên suốt vật lý hạt, hấp dẫn và vũ trụ học, và vì truyền bá khoa học tới công chúng rộng rãi hơn."

Weinberg cũng đã từng giành giải Nobel, đó là vào năm 1979 khi ông cùng nhận giải Nobel Vật lý với Sheldon Lee Glashow và Abdus Salam "vì những đóng góp cho lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ giữa các hạt cơ bản".

Quỹ Giải thưởng Đột phá cũng dành nhiều giải nhỏ hơn năm nay cho những nhà nghiên cứu mới vào nghề, nâng tổng giá trị giải thưởng năm nay lên 21,75 triệu USD. Tất cả những giải này đã được công bố hôm qua, 10/09/2020.

Bryan
Theo Live Science